Liên hoan đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp:

Còn ít nghệ nhân đờn và tiết mục hò Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 16/12/2015 12:35:17

Liên hoan đờn ca tài tử (ĐCTT) và hò Đồng Tháp năm 2015 được xem là một sự kiện quan trọng về văn hóa văn nghệ trong năm 2015 tạo sự quan tâm, thu hút của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.


Một tiết mục trình diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp

Các nghệ nhân đã cống hiến hết mình qua nghệ thuật biểu diễn ĐCTT và hò Đồng Tháp, tất cả tiết mục biểu diễn tại liên hoan đã nêu bật được chủ đề của liên hoan là ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Mẹ Việt Nam anh hùng, lịch sử truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam, quê hương và con người Đồng Tháp, nêu gương người tốt việc tốt, phê bình những thói hư tật xấu,... Liên hoan diễn ra trong 4 đêm tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh). Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ đang sinh hoạt trong các Câu lạc bộ ĐCTT giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong nghệ thuật biểu diễn mà còn là dịp để tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, những tài năng trong sáng tác, biểu diễn để bổ sung cho những hoạt động nghệ thuật ở địa phương và làm nòng cốt cho các hoạt động đờn ca, Các câu lạc bộ ĐCTT ở cơ sở.

Theo Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hoàng Tấn, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan ĐCTT và hò Đồng Tháp năm 2015, trong suốt liên hoan, điều vui mừng là phong trào ĐCTT của Đồng Tháp không ngừng lớn mạnh, được nghe những giọng hò mượt mà, trẻ trung, xúc động. Những tiết mục biểu diễn báo cáo đặc sắc tại đêm công diễn đã phản ánh được phần nào đối với toàn Liên hoan ĐCTT và hò Đồng Tháp năm nay. Trong 14 đội tham dự liên hoan lần này có 13 đội đến từ các huyện, thị, thành trong tỉnh (có huyện 2 đội tham gia) và Liên đoàn Lao động tỉnh với hơn 100 nghệ nhân tham gia. Các đội tham gia thi vừa thỏa niềm đam mê văn nghệ, vừa học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong từng “ngón đờn”, hơi điệu, phong cách biểu diễn. Các đội chuẩn bị khá tốt không gian diễn, có đội trang trí cảnh làng quê, lễ hội gần gũi với tiết mục, nội dung diễn; những hình ảnh áo bà ba, áo dài khăn đóng hay trang phục mới ngày nay đều được đầu tư khá đẹp.

Trong kỳ liên hoan này, các nghệ nhân ít có sai sót về nhịp, do đó điểm chênh lệch nhau không nhiều, nhưng theo Hội đồng giám khảo, cách biểu diễn, thể hiện kỹ năng đôi khi không chính xác. Tại liên hoan,  NNƯT Hoàng Tấn đã có những chia sẻ, đóng góp hết sức chân tình, xác đáng cho các nghệ nhân cũng như các đơn vị có liên quan như: một số nghệ nhân cần có cách diễn, ca đúng với hơi giọng của thể điệu. Không chỉ riêng Đồng Tháp, hiện nay ĐCTT rất thiếu người đờn. Chính vì vậy, các nghệ nhân đờn rất ít có độc tấu. Cần tổ chức các cuộc thi độc tấu về đờn, các ngành cần quan tâm đến chuyên môn về đờn của ĐCTT, nhất là các nghệ nhân đờn nên phát huy luyện tập, truyền dạy ĐCTT nhiều hơn để có thêm nhiều người đờn; cần có nhiều lớp tập huấn về đờn. Qua đó, để khi mỗi liên hoan ĐCTT được tổ chức thì các tiết mục độc tấu về đờn sẽ nổi bật. Riêng về hò Đồng Tháp các tiết mục thật sự xúc động nhưng chưa phong phú. Đồng Tháp có một loại hình nghệ thuật độc đáo đó là điệu hò Đồng Tháp nhưng tiết mục hò rất ít, mỗi một đội chỉ có một tiết mục hò, do đó nếu có nhiều tiết mục hò trong liên hoan thì sẽ sinh động hơn.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn