Ký ức về Tết

Cập nhật ngày: 05/02/2021 16:24:56

Trời sang Đông, gió lạnh, sậy đã trổ cờ. Nước dưới sông đã dợt phù sa. Lúa đông xuân trổ vàng đồng. Tuổi tuy đã ngoài tám mươi, song mỗi lần sắp đến Tết, lòng tôi vẫn rạo rực, nôn nao. Ký ức về Tết xưa trổi dậy trong tôi.

Thời còn trẻ nhỏ, khi nước giựt, cá dưới sông nhiều lắm, tôi đã biết đốn sậy đương bò đặt dưới bờ sông để kéo cá lúc nước chớm ròng. Đi mót lúa mùa, tôi bện rơm thành con cúi dài cả hai thước chở về để Tết đốt nướng bánh phồng. Má tôi đã mua nếp về quết bánh phồng, gói bánh tét, bánh ít. Tôi được giao ra bụi tre sau vườn đốn một gốc tre già, chẻ ra làm cặp gấp nướng bánh phồng. Cỡ đưa ông Táo, ba dẫn tụi tôi đi giẫy mộ ông bà. Dọn sạch cỏ, còn phải xắn vài ba cục đất lớn đặt giữa đỉnh mộ để nấm mộ đỡ mòn. Mỗi sáng sớm, chim tu hú kêu mà bụng nôn nao. Những đêm từ hăm bốn, hăm lăm tháng Chạp lúc gần sáng, tiếng quết bánh phồng ịch ình gần xa trong xóm, nghe nôn nao. Tụi nhỏ chúng tôi kéo nhau xuống tiệm hớt tóc cho đầu mới. Chị Tư tôi đã mua vải bông cho em gái, vải sọc màu cho em trai, mướn cô Ba Mến may cho tụi tôi mỗi đứa hai bộ đồ mới. Mỗi đứa còn được má mua cho đôi guốc vông mới. Bà nội ra sau vườn đốn hai buồng chuối lá xiêm, giú chín, ép phơi khô, xắt ngào với đường, gừng xắt sợi, làm món mứt chuối ngào đường. Chị Chín tôi trổ nghề đổ bánh kẹp, làm mứt bí, mứt gừng, dưa kiệu. Đặc biệt, má tôi trực tiếp lo nồi cá lóc kho thịt heo, hột vịt. Má lót lớp mía chẻ ra trải dưới đáy nồi, ướp cả mạch nha, nấu với nước dừa tươi. Anh tôi mua mấy con gà giò để ăn Tết và cúng mùng ba. Đến ba mươi, ông nội tôi đốn cây tre róc bớt nhánh chừa đọt dựng cây nêu trước nhà. Bà tôi nhờ bác Chín nhà cạnh bên viết cho hai câu đối giấy hồng đơn, mực tàu dán dọc hai hàng cột trước và trong nhà. Cả nhà dọn bộ lư trên mấy bàn thờ, xin khế chua cùng tro bếp xúm nhau chùi cho bóng dợn màu đồng. Anh chị tôi lấy cây trúc dài nối cái chổi quét váng nhện, bụi bặm trên mái nhà, vách, lau cửa cho sạch bụi bặm. Nhà chú Tư Đài cắt giấy hồng đơn vuông cỡ bốn ngón tay dán lên cái cối xay, cối giã, thân cây xoài, cây vú sữa, cây dừa..., vì theo chú, người ăn Tết thì các vật dụng, cây cối trong vườn cũng được ăn Tết. Mấy ngày Tết, trâu, bò cũng được nghỉ và mỗi con được cho ăn một cái bánh ít. Thường hăm sáu tháng Chạp, má đi chợ mua chục cải xanh đem về làm dưa cải. Đúng là thịt cá kho ăn với dưa cải, dưa gừng, dưa kiệu... thì thiệt không gì ngon bằng. Ba tôi còn mua mấy bộ tranh tứ bình, tranh truyện Thạch Sanh – Lý Thông, con Tấm con Cám... treo lên vách. Tôi nhận phần cắt nhánh mai bông còn búp cặm trong cái lục bình đặt trên bàn thờ, lấy cái dĩa lớn bày dưa hấu, xoài chín, quít đường... gồm năm thứ trái. Trưa ba mươi, cả nhà ngồi quây quần gói bánh ít, nói cười rôm rả. Tôi lo kiếm ba cục gạch đại đặt sau nhà để kê cái nồi lớn hấp bánh ít. Đến mùng hai mới gói và hấp bánh tét. Trời chinh xế, ba tôi mặc áo dài đen, đội khăn đống, nghiêm trang coi lại bàn thờ – nơi được chăm chút nhứt còn thiếu thứ gì không, chuẩn bị cúng bữa tất niên rước ông bà quá cố về cùng ăn Tết với con cháu. Mâm cơm được bày ra trên bàn thờ. Ba tôi trịnh trọng đốt nhang quỳ trước bàn thờ khấn vái ông bà về ăn Tết với con cháu, phù hộ cho cả nhà mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, trẻ nhỏ học hành tấn tới, bình an vô sự, điều lành đem tới, điều dữ tống đi. Chúng tôi lúc nầy đều đứng quanh trước bàn thờ, im lặng, thiêng liêng lắm. Khi chị tôi kêu ra nướng bánh phồng thì cả bọn vui mừng chạy tháo ra, chị nướng tay cầm cặp gấp để cái bánh phồng đã được xé bốn bên cho khi nướng nó phồng ra. Tôi coi rơm đặt vô cho ngọn lửa cháy liên tục. Hai bàn tay chị trở bánh rất đều, khi cái bánh bắt đầu phồng lên, thỉnh thoảng chị kẹp cái bánh giữa hai gấp dặc dặc cho bánh chuồi ra và thẳng thớm hơn. Mùi bánh thơm, mùi khói rơm nồng nồng, khiến tụi tôi thích chí dán mắt nhìn, thèm thuồng. Bánh nướng xong bày ra dĩa đem lên bàn thờ. Tụi tôi gắp chuối khô ngào đường trải lên mặt bánh phồng ăn rất thích thú, vì chỉ ngày Tết mới được hưởng hương vị nầy. Tôi còn có thói quen, xin má mấy cái bánh ít bột ngọt nhưn đậu lột ra để lên mái nhà “quên” cho nó qua Tết lấy xuống ăn rất khoái.

Chiều ba mươi Tết cúng rước ông bà xong, sau khi ăn bữa cơm tất niên, chúng tôi được anh Ba dẫn xuống sông tắm. Chị Tư tôi đã bày ra cho mỗi đứa một bộ đồ mới, lên mặc vô, anh Ba cẩn thận chải tóc cho từng đứa rồi cả bọn ra đường đi khoe bộ đồ mới cùng xúng xính với chúng bạn trong xóm.

Tối, ba tôi kêu chúng tôi lại dặn dò những điều phải kiêng cử trong ba ngày Tết, như không được chơi dơ, không được nói tục, gây lộn... và dạy cho mấy câu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, khi đi thăm bà con nội ngoại. Riêng tôi, ba phân phần việc là đi chơi đâu cũng phải nhớ đốt nhang trên bàn thờ không lúc nào được tắt. Hai chị tôi đã quét sạch rác trong nhà trước sân, sau hè. Má tôi đã lo xong phần khạp gạo, khạp muối, cự củi, lu nước phải đầy. Từ chiều, tiếng pháo nổ rước ông bà nối nhau nổ trước mỗi nhà. Tụi nhỏ khoái chí chạy lượm pháo lép, vui lắm. Trời tối, các anh thanh niên đã chuẩn bị sẵn đốn gốc tre gai thụt mắt, dùi lỗ làm ống lói, mua khí đá về để vô, chế nước rồi dùng rọi châm ngang lỗ dùi, tiếng nổ đùng lên. Cả bọn thích thú vỗ tay cười theo.

Đón giao thừa chỉ có ba má, anh chị tôi thức đón, làm lễ trên bàn thờ. Trẻ con tụi tôi dù cố gắng thức nhưng tới đó đều không chịu nổi, ngủ khì.

Sáng mùng Một, tụi tôi dậy sớm, rửa mặt cho tỉnh táo đến đứng quanh bộ tràng kỷ ba má tôi đã ngồi sẵn. Theo lớn nhỏ, các đứa con đến trước mặt ba má, khoanh tay mừng tuổi cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống vui, sống trăm năm cùng con cháu. Ba má tôi vui vẻ nhận lời chúc, chúc lại từng đứa con và trao cho mỗi đứa một bao lì xì màu đỏ, trong chứa ít tiền, đặc biệt là có tiền lẻ với cốt ý còn sinh sôi thêm nữa.

Mừng tuổi xong, chúng tôi chạy lại chợ mua phong pháo kim nhỏ bằng đầu đũa, về tháo rời ra, bỏ vô túi áo, tay cầm cây nhang đã đốt, đi kiếm mấy lỗ kiến lửa ghim pháo vô, châm lửa cây nhang cho nó nổ tẹt tẹt. Có đứa còn bịt lỗ tay. Xóm trên đã rộn rả tiếng trống múa lân. Ngày đầu năm mới bắt đầu...

Nguyễn Văn Long

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn