Nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa

Cập nhật ngày: 21/08/2013 05:50:15

Toàn tỉnh hiện có 8 Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) và 9 Thư viện cấp huyện. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án thành lập Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã, đến năm 2015, 30 xã điểm nông thôn mới của tỉnh có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng.


Đền thờ Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều tại Khu di tích Gò Tháp

Hằng năm, Trung tâm VHTT ở các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với số lượng và chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đồng thời tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", các thiết chế trên lĩnh vực thể thao được các địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 14 Nhà thi đấu - Nhà tập thể thao, 3 bể bơi, 363 sân bóng đá (từ 5 người đến 11 người), 648 sân bóng chuyền, 17 sân bóng rổ, 56 sân quần vợt, 290 sân cầu lông, 10 phòng tập thể dục thể thao,... Trong đó, trên 50% thiết chế do người dân đầu tư làm dịch vụ cho thuê theo hướng xã hội hóa để phục vụ nhu cầu tập luyện, giải trí nâng cao sức khỏe của người dân.

Để đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động văn hóa ở cơ sở, từ nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương và địa phương, hằng năm, tỉnh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trang bị các phương tiện âm thanh, nhạc cụ,... đảm bảo đến nay có 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có đầy đủ phương tiện hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong những năm qua, thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức, tỉnh đã phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ để cung cấp, bổ sung cho lực lượng tác giả, đạo diễn, diễn viên, huấn luyện viên, vận động viên chuyên nghiệp của tỉnh và làm hạt nhân cho phong trào ở cơ sở.

Ngoài ra, các thiết chế văn hóa tín ngưỡng dân gian được quan tâm bảo tồn, tu bổ, sửa chữa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống và phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh yếu tố tích cực, trong những năm gần đây hệ thống thiết chế văn hóa ở một số nơi của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số TTVH hoạt động chưa thường xuyên, chỉ hoạt động cao điểm vào các dịp lễ, Tết; trang thiết bị còn thiếu dẫn đến việc khai thác sử dụng còn khó khăn; đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm,...

Một trong 10 nhiệm vụ cụ thể để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa, trong đó xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư và duy trì các biện pháp nhằm phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn