Người say mê nghệ thuật ca hát ở vùng đất ven sông Hậu

Cập nhật ngày: 31/07/2013 03:15:51

Trong đợt tuyên dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xuất sắc trong 15 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dận tộc” của huyện Lai Vung, Trung tâm Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện có 3 cá nhân được khen tặng, trong đó người có nhiều năm cống hiến nhất và cũng là người cao tuổi nhất là tác giả Nguyễn Tùng.

Ông Trịnh Tấn Hợp - Giám đốc Trung tâm VH&TT huyện Lai Vung cho biết: “Nguyễn Tùng là một trong những đàn anh có cống hiến rất lớn cho ngành văn hóa thông tin huyện nhà, đặc biệt là các ngón đờn ca tài tử. Ngoài cống hiến âm nhạc, anh còn phối hợp rất tốt với các ngành, đoàn thể địa phương để thực hiện nhiều chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc. Bạn bè đồng nghiệp rất quý chuộng anh”.

Đến nay, Nguyễn Tùng đã có trên 40 năm gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ ở huyện Lai Vung. Xuất thân từ một gia đình tài tử ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung, anh bén duyên với loại hình âm nhạc độc đáo của vùng đất Nam bộ từ khi còn ở tuổi thiếu niên. Từ thích nghe đờn, nghe hát, anh trở thành nghệ nhân trong các chiếu tài tử lúc nào chẳng hay.

Nguyễn Tùng đờn được rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nhưng anh nhuần nhuyễn hơn cả với cây ghi ta phím lõm, loại “Lục huyền cầm” độc chiêu không thể thiếu trong các cuộc vui miệt vườn. Cái tên Nguyễn Tùng nhờ đó mà ngày càng trở nên quen thuộc với các chiếu đờn ca tài tử ven sông Hậu.

Tác giả Nguyễn Tùng - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Lai Vung chia sẻ: “Phong trào đờn ca tài tử sau những năm giải phóng chưa ai chú ý mấy, mà đi sâu vào văn nghệ quần chúng là nhiều, vì có nhiều loại hình trong đó như hát múa, chập cải lương. Tôi mê đờn ca tài tử vì đơn giản chỉ có 2 loại đờn và ca, không gian sinh hoạt thì không đòi hỏi nhiều. Đờn ca ở đây phải cho đúng điệu tài tử, không hoa hòe mà chân phương, biến tấu nhưng phải đúng bài bản, đúng điệu mới là tài tử chính gốc, thi vị nhất là chỗ đó.”

Biết tay nghề của Nguyễn Tùng nên Ban văn hóa xã, huyện mời anh vào làm cộng tác viên rồi trở thành cán bộ văn hóa thông tin. Sau những khóa tập huấn đào tạo nghiệp vụ của huyện và tỉnh, Nguyễn Tùng đã biết sáng tác ca khúc, chủ yếu là tân cổ. Nhiều ca khúc của tác giả Nguyễn Tùng được lãnh đạo đơn vị chọn tập luyện cho các cộng tác viên trình bày tham gia liên hoan, hội diễn văn nghệ, đờn ca tài tử.

Chị Kim Phượng - Đội trưởng Đội Thông tin lưu động Trung tâm VH&TT huyện Lai Vung, một trong những người được Nguyễn Tùng dìu dắt, đạt nhiều huy chương vàng hội diễn dân ca, đờn ca tài tử khu vực và toàn quốc tâm sự: “Anh Nguyễn Tùng rất nhiệt tình hướng dẫn cho các lớp đàn em tập luyện đi thi hay biểu diễn, phục vụ phong trào địa phương. Anh Tùng đã hướng dẫn em, giúp em biết hát đúng điệu tài tử. Nhờ đó mà khi đứng trên sân khấu không còn run sợ, hát đạt được huy chương vàng”.

Bên cạnh đóng góp phát triển phong trào văn hóa văn nghệ ở huyện Lai Vung, tác giả Nguyễn Tùng cũng đã “ghi” được nhiều thành tích cá nhân. Nhiều tác phẩm của anh đã đạt giải ở các hội diễn đờn ca tài tử, liên hoan văn hóa văn nghệ, trong đó có tác phẩm đạt giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ nhất. Anh cũng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao tặng “Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa” cùng nhiều Bằng khen của huyện và tỉnh.

Song, điều mà tác giả Nguyễn Tùng thấy ấm lòng hơn cả là sự quý mến của những bằng hữu có chung lòng say mê với nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là chất men để tác giả Nguyễn Tùng tiếp tục cống hiến cho phong trào văn hóa văn nghệ huyện nhà.

Ngọc Hoa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn