Nghề gói bánh tét góp phần tăng thêm thu nhập trong dịp Tết

Cập nhật ngày: 07/02/2018 10:10:48

ĐTO - Trong số nhiều mặt hàng được ưu tiên trong dịp Tết thì bánh tét, bánh chưng là lựa chọn không thể thiếu của nhiều người, nhất là các gia đình không có điều kiện để nấu. Nắm bắt được nhu cầu này, 3 năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Lai Vung đã bắt tay làm nghề gói bánh tét truyền thống.


Thời điểm Tết, vợ chồng cô Sáu gói trên 300 đòn bánh Tét mỗi ngày

Cô Nguyễn Thị Bé Sáu - chủ cơ sở bánh tét Cô Sáu Minh (ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) cho biết: “Gia đình tôi làm khoảng 3 năm nay, ban đầu gói thử vài đòn mang ra chợ bán cho khách hàng dùng thử, thấy ngon nên được các chị em ủng hộ mua để cúng giỗ ông bà. Ngày thường, vợ chồng tôi và các con tranh thủ thời gian mỗi ngày gói khoảng 70 đòn bánh mang ra chợ bán. Những ngày Tết, số lượng bánh gói tăng lên, thời điểm từ 23 - 30 Tết, mỗi ngày gói khoảng 300 - 400 đòn bánh”.

Theo cô Sáu, muốn cho đòn bánh no tròn, đều đặn, màu sắc đặc trưng, xẻ ra thơm phức, vừa ngon vừa dẻo, người làm bánh tốn rất nhiều công phu từ khâu chọn nếp, xào nếp, nêm muối, trộn cơm dừa, xào nhưn cho tới cách gói, cách quấn dây sao cho nhuần nhuyễn, đặc biệt là trong suốt quá trình nấu phải giữ cho lửa cháy đều và luôn châm nước không được để cho nồi bị cạn.

 Bánh tét Cô Sáu Minh hấp dẫn thực khách còn bởi được gói bằng lá chuối hột (được lau sạch, bảo quản trong tủ lạnh) cho bánh giữ được màu xanh lá. Cách gói bánh và buộc dây phải khéo léo để nước không bị thấm vào bánh, giữ bánh lâu bị ôi thiu. Ngoài ra, giá thành bánh của cô Sáu rất “bình dân”, khoảng 17.000 - 70.000 đồng/đòn (tùy đòn lớn, nhỏ) chất lượng ngon, hợp khẩu vị nên được khách hàng ưa chuộng.

Cô Sáu cho biết, nghề gói bánh tét cao điểm trong năm chỉ có vài ba đợt: mồng 5 tháng 5, Thanh minh và Tết. Riêng dịp Tết, từ 23 tháng Chạp đến chiều 30 là cao điểm. Dịp này, nhà cô Sáu tất bật suốt đêm ngày, gói khoảng 80kg nếp mỗi ngày. “Khách đặt hàng tăng dần mỗi năm nhưng nhân lực có hạn nên cũng chỉ dám nhận lời chừng mực thôi”- cô Sáu cho biết.

Cô Sáu Minh tâm sự, nghề làm bánh tét sống được, vì ngày thường bánh tét là thức quà bình dân nhưng đậm nét văn hóa ẩm thực. Ngày giỗ, Tết trong thời buổi “chuyên môn hóa”, công việc bận rộn, thay vì gò lưng gói bánh thì bà con, nhất là lớp trẻ họ đặt mua cho tiện. Nhờ nghề gói bánh tét mà những năm qua, gia đình cô Sáu cũng có thêm phần thu nhập khấm khá hơn. Theo cô Sáu thì đây là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn