Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 16/12/2016 15:47:16

ĐTO - Qua 5 năm thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân huyện Hồng Ngự đã xuất hiện hơn 780 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, 252 hộ đạt nông dân sản xuất kinh giỏi cấp tỉnh và Trung ương. Từ đó góp phần vào công cuộc xây dựng nông thông mới (NTM) với nhiều hoạt động thiết thực như: hiến đất làm đường, xây cầu nông thôn, xây nhà tình thương,... với giá trị hàng chục tỷ đồng.


Nông dân tham gia làm đường nông thôn

Xác định nông dân là nòng cốt trong thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện Hồng Ngự đã tập trung củng cố cơ sở hội, đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động nông dân chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp nông dân về vốn, giống, kỹ thuật và dạy nghề... tạo điều kiện để các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua 5 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình mang tính “đột phá” và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi lươn trong bể bạt, bể xi măng; chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản; sản xuất cá lăng nha, tôm càng xanh; sản xuất lúa hữu cơ với diện tích hơn 20ha; trồng mè, trồng é; trồng rau sạch, rau an toàn... và nhiều mô hình mang tính xã hội khác như: thu gom rác thải, thuốc bảo vệ thực vật, tổ phun xịt thuốc trừ sâu, sổ tay chung sức xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống kịp thời đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, sản xuất, phát triển kinh tế. Với mô hình trồng lúa - mè và kinh doanh dịch vụ đã giúp gia đình anh Cao Hoàng Hải ngụ ấp Chòm Xoài, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Anh Hải chia sẻ: “Qua phát động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều mô hình kết hợp trồng 2 vụ lúa, 1 vụ mè với diện tích 5ha và các dịch vụ nông nghiệp khác đã giúp gia đình từng bước phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Đồng thời, giúp đỡ nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các nông dân khác trên địa bàn”.

Mô hình sản xuất cá lăng nha giống và nuôi cá thương phẩm của anh Trương Văn Điền ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B đã giúp gia đình anh thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Anh Điền cho biết, nông dân hiện nay cần phát huy tính năng động, sáng tạo, nắm bắt được nhu cầu thị trường và phải mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất chăn nuôi, tránh tình trạng chạy đua theo lợi nhuận và phải gánh chịu nhiều rủi ro.

Không những thế, nông dân huyện Hồng Ngự hiện nay đã thay đổi tư duy, sản xuất nông nghiệp phải an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn “sạch” để nông dân và người tiêu dùng có được thực phẩm đảm bảo sức khỏe. Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới với diện tích hơn 5.000m2, áp dụng hệ thống tưới phun tự động, làm các mô hình mẫu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình kỹ thuật VietGAP, anh Đỗ Thành Sĩ ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết, để phát huy và nông dân mạnh dạn trong sản xuất thì rất cần chất xúc tác là sự hỗ trợ của các ngành tỉnh, huyện để nông dân áp dụng các quy trình mới, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Trong sản xuất “độc” và “lạ” phải nhắc đến mô hình sản xuất lúa hữu cơ của anh Võ Văn Tiếng với cách làm lúa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón mà thay vào đó là cách phòng trừ bằng phương pháp sinh học. Tuy năng suất lúa giảm nhưng bù lại giá bán gạo từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, sản phẩm an toàn giúp xây dựng thương hiệu gạo trong thời gian tới.

Với những cách làm hay, những ý tưởng mới đã từng bước thay đổi cách thức sản xuất giúp nông dân ngày càng chuyên nghiệp hơn trong sản xuất và kinh doanh, giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững. Thông qua những việc làm cụ thể, những đóng góp tích cực cho xây dựng NTM như: hiến hơn 124.000m3 đất trị giá hơn 12 tỷ đồng để xây dựng giao thông nội đồng, đường nông thôn; xây mới 2 cây cầu để nông dân có thể thuận tiện vận chuyển hàng hóa với số tiền hơn 90 triệu đồng; xây dựng 126 căn nhà tình thương trị giá hơn 3,5 tỷ đồng và nhiều hoạt động khác. Đến nay, huyện Hồng Ngự đã có 3 xã đạt chuẩn xã NTM, 5 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí và 3 xã thực hiện điểm giai đoạn 2015 - 2020 gồm: Phú Thuận B, xã Thường Lạc và xã Thường Phước 1.

Nói về hoạt động nông dân trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng NTM, bà Trần Thị Hậu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Nông dân là “mũi nhọn” và “trung tâm” để thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Chính vì thế, trong giai đoạn hiện nay, nông dân phải sản xuất giỏi và kinh doanh giỏi trên phương diện: hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và bền vững.

ĐĂNG KHÔI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn