Xã Phong Hòa trong công tác giảm nghèo

Cập nhật ngày: 26/11/2014 13:15:39

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo hiệu quả, hộ nghèo của xã Phong Hòa, huyện Lai Vung  giảm qua từng năm.


Hộ nghèo xã Phong Hòa với mô hình chăn nuôi dê thịt

Phong Hòa là xã nông nghiệp mà thế mạnh là lúa và màu nên Ban giảm nghèo xã đã triển khai đến hộ nghèo thực hiện nhiều mô hình phù hợp, nổi bật là mô hình chăn nuôi bò, dê và trồng huệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, Ban giảm nghèo xã xét đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn làm kinh tế thoát nghèo.

Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, có 65 hộ được vay vốn (trong đó có 35 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo), với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi dê, bò và mua bán nhỏ. Anh Trần Văn Đoàn ở  ấp Tân Phong là hộ nghèo. Hộ anh thoát nghèo năm 2012 nhờ vào mô hình chăn nuôi dê thịt. Năm 2010, anh vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng mua 6 con dê con để nuôi (1,5 triệu đồng/con). Sau 10 tháng nuôi, dê đạt trọng lượng từ 30 - 40kg, anh bán giá hơn 100 ngàn đồng/kg. Như vậy, mỗi con dê nuôi thịt bán khoảng 3,5 triệu đồng. Nguồn thức ăn chính của dê là cỏ và các loại rau nên chủ yếu nuôi theo hình thức lấy công làm lời. Bình quân mỗi con dê thịt, trừ tiền vốn anh lời 2 triệu đồng. Hiện nay, anh đang nuôi một con dê cái và 4 dê thịt. Anh cho biết: “Mỗi năm tôi bán dê được khoảng 8 triệu đến 10 triệu đồng. Hiện tôi có thu nhập ổn định từ nuôi dê, tôi đã trả được 15 triệu đồng tiền vay, phần còn lại sang năm trả tiếp, tôi mừng lắm”.

Bên cạnh hỗ trợ vốn, Ban giảm nghèo của xã còn giao cho các đoàn thể xã hỗ trợ hội viên thoát nghèo (hàng năm, một đoàn thể được giao hỗ trợ khoảng 10 hộ hội viên nghèo thoát nghèo). Các đoàn thể đã hỗ trợ hội viên nghèo bằng nhiều hình thức: Đoàn thanh niên tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động... hàng năm tư vấn cho hàng chục lao động đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ phụ nữ học nghề may, nữ công gia chánh, chăm sóc tóc, đan bội... qua đó giúp cho hàng chục hội viên có việc làm tại gia đình, có thu nhập ổn định; Hội Nông dân hỗ trợ kỹ thuật, con giống, giới thiệu cho lao động làm thuê tại các ruộng trồng huệ... Ngoài ra, hiện nay, tại ấp Tân Thạnh có cơ sở may gia công tư nhân, hàng tháng giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động (trong đó có hơn 50 lao động là hộ nghèo) với mức thu nhập hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Như Ý ngụ ấp Tân Thạnh cho biết: “Từ hộ nghèo, nhờ được địa phương hỗ trợ nghề may và được nhận vào cơ sở may ở ấp Tân Thạnh nên tôi có thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng, chồng tôi làm hồ thu nhập 3 triệu đồng/tháng, năm 2014, gia đình tôi thoát nghèo”.

Đầu năm 2013, xã có 579  hộ nghèo, hiện xã còn 319 hộ nghèo, chiếm 6,79% hộ toàn xã, bình quân mỗi năm giảm khoảng 2% hộ nghèo. Ông Trần Anh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết: “Hiện xã đã đạt được tiêu chí về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Việc thoát nghèo muốn hiệu quả đều quan trọng phải là ý chí của người dân nên xã tổ chức nhiều buổi họp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời những hộ nghèo có thể nhận xét lẫn nhau. Từ đó, địa phương có biện pháp hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng tránh hiện tượng tái nghèo và sử dụng nguồn vốn không có hiệu quả. Mục tiêu đến cuối năm 2015, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến mức thấp nhất”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn