Thực hiện có hiệu quả về định danh và xác thực điện tử

Cập nhật ngày: 13/04/2024 05:08:30

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240413050940dt2-2.mp3

 

ĐTO - UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: việc sử dụng thông tin, giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VneID; chiến dịch “50 ngày, đêm” tuyên truyền, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện... góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị định số 59 ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh triển khai thu thập, cập nhật thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, nhất là các quy định về bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ có hiệu quả kết nối, chia sẻ với các dữ liệu chuyên ngành khác và các yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an. Đến tháng 3/2024, Công an tỉnh đã cập nhật thông tin của 1.955.615 công dân vào CSDL quốc gia về dân cư.

Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để kết nối với CSDL quốc gia về dân cư; xây dựng, triển khai các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Điển hình như việc số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung về dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành 1.540.064/2.878.123 bản scan (đạt 55%); đồng bộ 634.157/2.878.123 thông tin (đạt 22%) tiến độ kế hoạch đề ra. Hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã được phê duyệt cấp độ và phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ 3 cũng như triển khai phương án đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính các cấp đã được trang bị đầy đủ máy scan, máy tính, máy in, màn hình tra cứu, hướng dẫn thông tin, thiết bị chứng thư số...

Tuy nhiên, để thuận tiện hơn cho cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND các cấp trong tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kinh phí mua sắm để một số sở, ngành, địa phương trang bị thêm đầu đọc mã QR, đầu đọc thẻ chip, máy scan và thay thế một số máy tính đã lạc hậu, xuống cấp. Hiện các phần mềm được hình thành từ các phần mềm chuyên ngành đáp ứng được chuẩn tích hợp, chia sẻ, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến khích, tư vấn các đơn vị, địa phương hướng tới chia sẻ dữ liệu qua trục tích hợp dữ liệu của tỉnh (trục LGSP), nhằm tạo đầu mối thống nhất trong việc chia sẻ, tích hợp dữ liệu giữa các hệ thống với nhau và đây chính là nền tảng tích hợp, chia sẻ cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

Liên quan đến việc thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh là 6/25 dịch vụ công (lĩnh vực công an, thuế, bảo hiểm xã hội...), các dịch vụ công còn lại được triển khai trên Hệ thống của các Bộ, ngành Trung ương. Các dịch vụ công triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đều được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống chuyên ngành của Bộ, ngành Trung ương.

Riêng việc khai thác sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính trên môi trường điện tử, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh ban hành Kế hoạch số 332 ngày 9/12/2023 về triển khai thực hiện 40 mô hình điểm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã phát động chiến dịch “50 ngày, đêm” thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện. Trong đó, Công an tỉnh làm nòng cốt và huy động sự tham gia vào cuộc của các ngành, các cấp, Tổ công nghệ số cộng đồng; giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND huyện, thành phố để thực hiện. Kết quả, tháng 3/2024 toàn tỉnh thu nhận 1.324.534 tài khoản định danh điện tử được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phê duyệt 1.063.158 tài khoản, kích hoạt thành công 883.680 tài khoản.

Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện Nghị định số 59 ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên địa bàn được các cấp, ngành quan tâm. Thông qua công tác triển khai kết nối chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư và dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin tại địa phương phục vụ có hiệu quả cho việc định danh và xác thực điện tử. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả chuyên môn trong giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho công dân được nhanh chóng, thuận tiện.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn