Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất
Cập nhật ngày: 29/06/2016 16:23:54
ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp tập trung đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Áp dụng cơ giới hóa giúp nông dân giảm được giá thành sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay, người nông dân sản xuất nông nghiệp đã biết đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng KHKT vào canh tác, sản xuất theo quy trình sản xuất tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là hướng đi bức thiết để tồn tại trong thời buổi hội nhập.
Lúa gạo là mặt hàng tiềm năng của tỉnh, việc áp dụng tiến bộ KHKT vào canh tác nhằm hạ giá thành, tăng thu nhập được tỉnh và bà con nông dân quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 100% diện tích làm đất bằng cơ giới, 70% diện tích gieo sạ bằng máy sạ hàng và máy cấy, 96% diện tích thu hoạch bằng máy, 90% diện tích được tưới tiêu bằng trạm bơm điện hoặc bơm dầu.
Ngoài ra, tỉnh cùng các ngành chức năng hình thành nhiều mô hình giảm giá thành trong canh tác. Đơn cử như mô hình giảm giá thành sản xuất lúa của huyện Tháp Mười, giúp nông dân giảm 601 đồng/kg lúa, lợi nhuận đạt 18,7 triệu đồng/ha, cao gần gấp đôi so với sản xuất lúa ngoài mô hình. Có trên 40% diện tích lúa áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm” hay “3 giảm, 3 tăng”, 46% diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận, góp phần nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí cho nông dân. Sự góp mặt của các mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trên ruộng lúa, quản lý rầy nâu bằng biện pháp sinh học đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, từ năm 2011-2015, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 15 mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trên ruộng lúa. Qua đánh giá, điểm nổi bật của mô hình là thu hút các loài thiên địch bảo vệ lúa, tạo sự đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái trên ruộng lúa. Từ đó, người nông dân sẽ giảm chi phí phun xịt thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là lợi nhuận tăng từ 1,4 - 2,77 triệu đồng/ha.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa kiểng cũng được ngành nông nghiệp quan tâm đầu tư. Đặc biệt là công nghệ nhà màng trong sản xuất được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, cụ thể như Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 8.000m2, Vườn hoa kiểng Duy Khoa (TP.Sa Đéc) với diện tích 800m2...
Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã chủ động nhân giống bằng phương pháp cấy mô đối với một số loại hoa, như: đồng tiền, cúc Đài Loan, hoa hồng, hoa chuông... với công suất sản xuất 1 - 2 triệu cây giống cấy mô/năm để cung cấp cho nông dân. Ngoài ra, đơn vị còn hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản từng bước chuyển giao giống hoa kiểng mới, kỹ thuật sản xuất công nghệ cao để thúc đẩy phát triển Làng hoa Sa Đéc. Qua đó, nhằm giúp người trồng hoa tiếp cận được giống chất lượng.
Ông Trần Văn Út Hùng ở xã Tân Khánh Đông, cho biết: “Việc sử dụng cây giống được nhân theo phương pháp truyền thống khiến cây dễ bị thoái hóa, tỷ lệ cây bị sâu bệnh cao, chất lượng hoa thấp, thiếu đồng đều chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi sản phẩm cây giống cấy mô lại khắc phục được những khuyết điểm trên, nông dân canh tác cảm thấy an tâm hơn”.
Thời gian qua, trên cây ăn trái ngoài việc áp dụng những tiến bộ vào sản xuất thì nhà vườn có kinh nghiệm hơn trong tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, bao trái, làm tăng tỷ lệ xoài loại 1, giảm tỷ lệ ruồi đục trái, nhiễm khuẩn, giảm chi phí thuốc. Hiện nay, có trên 90% diện tích sản xuất xoài áp dụng phương pháp bao trái, góp phần giảm chi phí phun thuốc trừ sâu và giảm thất thoát sau thu hoạch. Đặc biệt, người nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo “kiểu cũ” thông qua việc áp dụng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP định hướng sản xuất gắn với thị trường. Những định hướng mới đã mở ra những triển vọng cho cây ăn trái tỉnh nhà, minh chứng là một số nông sản của tỉnh như: xoài, nhãn, thanh long... đã “cập bến” thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản...
Theo nhận định của ngành nông nghiệp, dù việc áp dụng KHKT vào sản xuất được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh nhưng tỷ lệ còn ở mức thấp, chưa đồng bộ. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Mặt khác, do tập quán sản xuất theo truyền thống vẫn chưa thoát hẳn trong tư duy người nông dân. Vì vậy, các mô hình dù mang lại hiệu quả nhưng nông dân vẫn còn “làm ngơ” không áp dụng.
Thực tế hiện nay, nếu nông dân chậm thay đổi, không gắn sản xuất với thị trường, giá thành cao sẽ bị đào thải bởi sự cạnh tranh của các nông sản cùng loại. Theo phần đông người tiêu dùng, tiêu chí gây sức hút lớn đối với họ là giá thành sản phẩm rẻ, đạt chất lượng, an toàn,...
K.D