Sản xuất lúa thời biến đổi khí hậu

Đã khó, đang khó và càng khó...

Cập nhật ngày: 29/06/2016 13:01:24

Để bù đắp trên 85.000ha lúa vụ đông xuân (ĐX) 2015-2016 bị thiệt hại do nắng hạn và xâm nhập mặn, nhiều địa phương vùng Nam bộ, nhất là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tìm cách đẩy mạnh gieo trồng các vụ còn lại trong năm. Tuy nhiên, theo dự báo, từ nay đến cuối năm, hiện tượng thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKHTC) còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất thường như giông, lốc...


Dù đã có mưa, nhưng hiện nhiều kênh rạch ở Đồng Tháp, địa phương vùng đầu nguồn ĐBSCL vẫn đang cạn nước

Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông (TĐ), mùa 2016 tại Đông Nam bộ và ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại tỉnh An Giang vừa qua.

Đã khó, đang khó

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ ĐX 2015-2016 vùng Nam bộ gieo sạ 1,645 triệu ha lúa, tăng 7.544ha, nhưng lại giảm gần 728.000 tấn thóc so với vụ trước do hệ lụy từ BĐKHTC: nắng nóng, xâm nhập mặn.

Đến vụ hè thu (HT) tình hình vẫn chưa khả quan. Do khô hạn, nắng nóng kéo dài và ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên đến nay toàn vùng đã xuống giống đạt 98% kế hoạch 1,714 triệu ha, giảm khoảng 42.382ha và dự báo sẽ giảm sản lượng trên 5 ngàn tấn thóc so cùng kỳ 2015.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), thời tiết cực đoan hiện nay là cơ hội để nhiều loại dịch, bệnh bùng phát và tấn công lên cây lúa. Ngoài diện tích phải gieo sạ lại do ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ... cây lúa đang đối mặt với rầy phấn trắng, nhện gié, chuột... Hiện đang có 1.479ha lúa ở An Giang, Long An, Tây Ninh... nhiễm rầy phấn trắng với mật số phổ biến 1.000 - 1.500 con/m2, tăng 1.411ha so cùng kỳ năm trước; chuột cũng đang tấn công trên 7.000ha lúa tại An Giang, Đồng Tháp, Long An... tăng trên 1.00ha so năm 2015...

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, với dự báo thời tiết có mưa muộn và nhiều giông, lốc của ngành khí tượng, khả năng cây lúa HT bị đổ ngã và chịu ảnh hưởng kép cả về sản lượng lẫn chất lượng là rất lớn.

Tiếp tục khó...

Để bù đắp lại diện tích, sản lượng bị thiệt hại, nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh gieo sạ vụ còn lại trong năm. Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, năm 2016, vùng ĐBSCL gieo sạ 867.300ha lúa TĐ (tăng hơn 24.100ha so cùng kỳ 2015) và 286.037 ha lúa mùa. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh bày tỏ sự đồng tình với kế hoạch tăng diện tích vụ TĐ, mùa 2016, nhưng cũng đặc biệt lưu ý: “Phải đảm bảo an toàn. Chủ động, nhưng không được chủ quan. Theo đó, phải thường xuyên cung cấp thông tin dịch bệnh, khí tượng thủy văn... để nông dân chủ động sản xuất. Đặc biệt là phải rà soát các vùng đê bao, chủ động gia cố để giảm tối đa khả năng tổn thất cho người dân”.

Đây là câu chuyện không đơn giản khi mà kinh phí thực hiện không hề nhỏ... sau nhiều năm liền “lũ đẹp” nên việc duy tu hàng năm ít được chăm nom. Nhất là trong bối cảnh ngân sách và sức dân đang gặp khó như hiện nay, và đầu ra hạt gạo vẫn là “ẩn số”... thì khoản chi đó càng trở nên quá... “lớn”.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm 50% tổng lượng gạo bán ra của Việt Nam, nhưng đây là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cả về bán lẫn thanh khoản....

... Và càng khó

Tuy nhiên, việc tăng diện tích TĐ là điều không dễ làm... đúng. Bởi, ngay với việc sử dụng giống lúa gì cũng là sự nan giải. Trong lúc ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường trồng các giống lúa chất lượng cao và khống chế diện tích lúa IR504... thì tại hội nghị này, Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng lại đề nghị nên “mở” diện tích IR504 để rộng đường tiêu thụ.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, ngành nông nghiệp địa phương còn khó hiểu thì nói chi để nông dân làm đúng. Riêng với các tỉnh ven biển, như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang... cái khó càng nặng nề hơn. Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, theo kế hoạch, Kiên Giang gieo trồng trên 170 ngàn ha lúa TĐ mùa 2016, nhưng hiện đang gặp khó về nguồn nước tưới. “Kiên Giang vẫn thiếu nước ngọt, nạn xâm nhập mặn vẫn tiếp tục đe dọa, nhiều nơi bà con vẫn phải đào giếng lấy nước sinh hoạt ”, Tiến sĩ Nhựt nhấn mạnh.

Vấn đề càng nan giải hơn nếu không tiếp tục trồng lúa và chuyển sang chuyển đổi cây trồng trong vụ TĐ, vụ mùa. Do vị trí địa lý đặc thù, nhiều địa phương như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... gần như không chuyển đổi, hoặc chuyển đổi cây trồng với diện tích không đáng kể. Trong khi đó, với những địa phương có điều kiện hơn về nước tưới như An Giang, Đồng Tháp, Long An... thì việc chuyển đổi vẫn còn bấp bênh.

Thạc sĩ Trần Anh Thư lý giải: “Thiếu hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu đặc thù; giá cả, đầu ra thường xuyên biến động...nhưng quan trọng nhất là đến nay vẫn chưa có dự báo về nhu cầu sản phẩm cây màu... nên chưa dễ vận động nông dân gắn bó”.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia lấy làm lo hơn là, trong lúc “nội dung” cơ cấu cây trồng đang còn quá nhiều điều nan giải... thì “lớp vỏ” bên ngoài lại đối mặt với nguy cơ “bắc cầu” cho hạn, mặn bùng phát tiếp dữ dội hơn trong thời gian tới.

Bên hành lang hội nghị, nhiều chuyên gia nông học cho rằng, việc duy trì và nâng cấp nhiều đê bao sản xuất TĐ sẽ làm cho hai “túi nước” tự nhiên của ĐBSCL là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên không tích được nước trong mùa lũ, dẫn đến nước chảy đến nơi khác, gây ngập lụt nghiêm trọng ở những vùng ngoài đê bao và thoát ra biển nhanh hơn.

Điều này cũng đồng nghĩa, hai “túi nước” này không có nước bổ sung cho sông ngoài trong vùng để cung ứng nước tưới cho các địa phương nội đồng và đẩy mặn cho các địa phương ven biển trong mùa khô. Nhất là trong bối cảnh nước sông Mê Kông đang giảm dần theo tỷ lệ nghịch với sự ra đời của đập thủy điện vùng thượng nguồn thì điều này cũng đồng nghĩa cây lúa đang oằn mình trong thế “ngoại công, nội kích”.

Xem ra, cây lúa đang chờ đợi sự lựa chọn khôn ngoan hơn để có thể thích ứng với BĐKHTC!

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn