Chuyện trồng nếp:Lợi nhuận cao nhưng vẫn chưa đảm bảo...

Cập nhật ngày: 11/05/2016 13:08:22

Lợi nhuận gấp rưỡi so với trồng lúa

Thực ra phong trào trồng nếp đã xuất hiện ở các xã cù lao Thanh Bình như: Tân Bình, Tân Long, Tân Hòa... từ khoảng hơn 10 năm trước. Do nơi đây có lợi thế gần với vùng nếp Phú Tân (An Giang) nên việc mua bán nếp rất thuận lợi. Nhiều thương lái đến đặt hàng từng nhóm người dân trồng và thu mua theo hình thức đưa giống, đến vụ thu mua trả lại rồi trừ tiền đầu tư. Với hình thức này, nông dân được đảm bảo đầu ra, lợi nhuận cũng cao hơn trồng lúa từ 1.000 – 2.000/kg (lợi nhuận gấp rưỡi so với trồng lúa) nên việc trồng nếp ở đây đã trở thành phong trào rất nhộn nhịp. Từ năm 2002, hơn 90% diện tích lúa được thay thế bằng nếp với hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Công Chính - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình cho biết, trước đây nông dân vùng cù lao này cũng làm lúa, số người trồng nếp chỉ chiếm chừng 30%. Vài năm trở lại đây, nếp ngày càng có giá, thương lái từ nhiều nơi đổ về thu mua, bà con bắt đầu ồ ạt trồng nếp. Đến nay, diện tích trồng nếp trên địa bàn xã Tân Bình đã chiếm trên 95%.


Ông Lê Tấn Hùng vẫn hy vọng mùa tới giá nếp sẽ cao trên mức 6.000 đồng/kg

Không chỉ các xã cù lao Thanh Bình, nhiều vùng khác nông dân cũng chuyển dần từ làm lúa sang nếp. Theo đó, Tân Hồng được xem là địa phương có phong trào trồng nếp phát triển mạnh mẽ trên đất lúa trong vụ hè thu năm nay, với hơn 8.000ha, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà con nông dân, sở dĩ việc trồng nếp tăng đột biến là do vụ đông xuân năm nay giá lúa hạt dài 5.600 đồng/kg thì nếp ở mức từ 6.400 – 6.700 đồng/kg, cao hơn lúa khoảng 1.000 đồng/kg nên vụ hè thu này nông dân ùn ùn trồng theo. Ông Lê Tấn Hùng ở ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí cho biết, vụ đông xuân năm 2016, ông chuyển 6 công đất lúa sang trồng nếp, bán với giá 6.500 đồng/kg, lãi khoảng 12 triệu đồng. Ông tiếp tục trồng nếp thay lúa ở vụ hè thu và hiện đang rất trúng, cuối tháng 5 này thu hoạch.

Với hiệu quả kinh tế cao, cùng với những ưu điểm như dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao, đặt biệt là rất dễ bán, cây nếp giúp giảm áp lực tiêu thụ cho người nông dân, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Mặc dù, không ai biết thị trường tới đây như thế nào, nhưng hiệu quả kinh tế trước mắt đã khiến cây nếp có sức hút đối với nhiều nông dân trồng lúa, nhất là giai đoạn lúa liên tiếp bị rớt giá như mấy năm gần đây.

Nhưng đầu ra vẫn bấp bênh

Rõ ràng, hiệu quả mang lại từ việc trồng nếp trong thời gian qua khá cao nhưng đa số chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình sản xuất hoặc người dân tự trồng theo cách đơn lẻ, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, không tập trung... Đặc biệt, hầu như tất cả đầu ra đều không ổn định, hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường và thương lái, không có gì đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu cho nông dân. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý còn rất mờ nhạt, khiến nông dân luôn thấp thỏm, lo âu, phó mặc “may nhờ rủi chịu”.

Ông Lê Tấn Hùng có 6 công nếp tại ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí (Tân Hồng) chia sẻ: “Tôi cũng suy nghĩ kỹ về giá lúa, những khó khăn trong việc trồng lúa, thấy hướng đi trồng nếp có lợi hơn và chấp nhận may rủi “được ăn cả, ngã về không”. Tính đến thời điểm này, nếp vẫn được giá cao nên vẫn yên tâm. Tôi cũng như các hộ dân nơi đây hoàn toàn không ký hợp đồng bao tiêu với đơn vị nào cả, dù biết thế là nguy hiểm. Tuy nhiên, có đơn vị bao tiêu giá 5.500 đồng/kg, chúng tôi vẫn không chấp nhận. Giá ấy tuy cao, nhưng vẫn chưa xứng với thị trường hiện nay. Nếu ký hợp đồng, giá nếp vẫn tăng thì nông dân lại thiệt thòi. Vụ tới, tôi sẽ trồng nếp, rủi ro có thể xảy ra nhưng trồng lúa cũng có ăn chắc gì hơn”.

Ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng cho hay, địa phương không khuyến cáo người dân trồng nếp, thấy lợi nhuận cao hơn trồng lúa nên người dân đổ xô nhau trồng. Đặc biệt, vụ đông xuân vừa qua, do giá nếp có thời điểm tăng lên khoảng 6.700 đồng/kg, cao hơn lúa 1.000 đồng/kg. Đồng thời, thương lái đặt từng nhóm nông dân trồng nếp với đầu tư chi phí ban đầu là 5 triệu đồng/ha, nên người dân rất hăm hở trồng nếp. Đến vụ hè thu này, diện tích trồng nếp hơn 8.000ha tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù hiện tại nếp vẫn bán được giá cao, nhưng hình thức bán chủ yếu chỉ qua thương lái, hợp đồng miệng, không có hợp đồng liên kết rõ ràng. Mặt khác, nếp trồng trong vụ hè thu thường có chất lượng kém nên rất dễ bị thương lái phản kèo. Qua các cuộc hội thảo, tập huấn, ngành cũng khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ lại mùa vụ sản xuất, cũng như hợp đồng bán cho thương lái với điều kiện rõ ràng để tránh tình trạng lật kèo, bẻ kèo thì người thiệt thòi không ai khác chính là nông dân.

Nên tính toán lại hiệu quả, chất lượng và cơ cấu mùa vụ

Điểm lại hiện nay, cây nếp đã có mặt ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở huyện Tân Hồng, Tháp Mười, Hồng Ngự, Tam Nông..., với tổng diện tích vụ hè thu năm 2016 là trên 15.500ha (chiếm gần 9% diện tích xuống giống).

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, ngành sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hẹp, giá lúa gạo liên tục giảm, việc chuyển đổi là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, chuyển đổi thế nào, phải được tính trong tổng thể và phải hết sức thận trọng. Không nên chuyển đổi ào ạt khi chưa có chiến lược giải pháp đồng bộ, tính bền vững, đặc biệt là đảm bảo chất lượng để đảm bảo yêu cầu thu mua của thương lái cũng như doanh nghiệp, tránh tình trạng nếp rớt giá khi phong trào phát triển quá ồ ạt...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, khó khăn hiện nay là không đánh giá được nhu cầu thị trường nên không ước lượng khuyến cáo người dân nên trồng lúa hay nếp bao nhiêu. Rút kinh nghiệm từ các vụ trước khi khuyến cáo người dân trồng jasmin, lúa chất lượng cao thì năm đó thị trường không có nhu cầu nên có khi vào đợt cao điểm giá lại thấp hơn lúa cấp thấp và IR50404. Do vậy đối với việc trồng nếp, ngành chỉ khuyên người dân nên sản xuất theo nhu cầu thị trường, nếu có thời điểm tăng diện tích đột biến thì phải chú ý đến vấn đề chất lượng, mùa vụ; tiết giảm mọi chi phí đầu vào bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để khi có tăng đột biến, giá nếp có biến động thì cũng đỡ thiệt hại cho người nông dân...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn