TAM NÔNG

Chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Cập nhật ngày: 21/10/2015 13:03:13

Từ vụ lúa hè thu năm 2012, mô hình cánh đồng liên kết từng bước được hình thành. Theo đó, hàng trăm héc ta đất trồng lúa của xã viên thuộc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Tiến và HTX nông nghiệp Phú Bình thuộc xã Phú Đức (huyện Tam Nông) được triển khai sản xuất theo mô hình cánh đồng liên kết với sự bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp (DN). Đồng thời, nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá từ bằng giá thị trường trở lên, do đó người dân tăng được lợi nhuận khoảng 30% so với sản xuất lúa ngoài cánh đồng liên kết cũng như tránh điệp khúc “được mùa, rớt giá”.


Áp dụng cơ giới hóa góp phần giảm thất thoát trong thu hoạch lúa

Đặc biệt, vào tháng 3/2014, Đảng ủy xã Phú Đức công bố chính thức thành lập tổ chức đảng và đoàn thể trong cánh đồng liên kết tại ô bao 24 gồm 2 HTX nông nghiệp Tân Tiến và Phú Bình với tên gọi là Chi bộ Bình Tiến. Kết quả nổi bật của Chi bộ và các đoàn thể từ khi thành lập đến nay là công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, kế hoạch của địa phương, nhất là chủ trương về thực hiện cánh đồng liên kết (xã Phú Đức được tỉnh làm điểm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh). Mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, sắp xếp lại tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, làm thay đổi ý thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân sang hướng sản xuất tập trung, hiện đại, gắn kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nông dân và DN.

Bước đầu thực hiện có hiệu quả mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Đến năm 2014, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Tam Nông tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình liên kết đầu vào - đầu ra với diện tích 12.708ha ở 12 HTX, lợi nhuận bình quân 24 triệu đồng/ha/vụ (tăng 6 triệu đồng so với sản xuất không gắn với bao tiêu nông sản). Liên kết để phát triển bền vững thì vấn đề tích tụ ruộng đất là một xu hướng tất yếu, không thể phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn và sức cạnh tranh cao nếu cứ tiếp tục giữ quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún và không xây dựng được thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh cao. Từ những nhu cầu đặt ra, huyện Tam Nông đã triển khai mô hình tích tụ ruộng đất, dòng họ chuyển nhượng đất cho nhau để tập trung cho một người sản xuất quy mô lớn hơn, những người còn lại chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp, trước mắt thí điểm 1 hộ dân với diện tích trên 120ha lúa Nhật, được hộ gia đình đầu tư máy móc sản xuất và liên kết với DN đầu vào - đầu ra, qua sản xuất thực tế cho thấy mô hình tích tụ ruộng đất đã phát huy hiệu quả.

Để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình liên kết, thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và lợi ích khi tham gia mô hình liên kết trong các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Xây dựng các mô hình từng bước theo phương châm từ thấp đến cao, từ thực hiện cánh đồng lớn để có vùng nguyên liệu ổn định chất lượng, đến việc liên kết tiêu thụ và liên kết đầu vào - đầu ra sản phẩm. Nơi nào có đủ điều kiện về hạ tầng sản xuất, năng lực HTX đủ mạnh, trình độ sản xuất nông dân có bước tiến bộ thì thực hiện trước, sau đó sẽ nhân rộng cho các vùng còn lại.

Người nông dân tham gia mô hình liên kết có trách nhiệm thực hiện theo nguyên tắc “3 chung”, cụ thể là “mua chung” DN cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng, mức giá thấp hơn so với các đại lý tại địa phương; “dùng chung” dịch vụ, máy móc, phương tiện sản xuất và “bán chung” cho DN, từ đó làm giảm chi phí, tăng năng suất và phẩm chất lúa gạo, tăng lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận cho người nông dân. Xác định HTX chính là điều kiện cần, là nhân tố quan trọng thực hiện liên kết sản xuất, nên huyện tập trung củng cố, nâng cao năng lực của HTX, đặc biệt về nhân sự phải có trình độ, năng lực, uy tín với thành viên; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HTX hoạt động. Kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các DN đến đầu tư kinh doanh trên địa bàn, xem đây là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất.

HỒNG NGỰ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn