Năm 2015, kinh tế tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu lớn
Cập nhật ngày: 19/02/2016 13:04:07
Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 trong điều kiện thị trường tiêu thụ và giá cả hai mặt hàng lúa và cá tra không thuận lợi đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh nhà. Nhưng với sự quyết tâm, thống nhất chỉ đạo, điều hành; sự nỗ lực, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm qua vẫn phát triển khá.

Cá tra - một trong năm ngành hàng chủ lực được chọn triển khai thực hiện chuỗi giá trị theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Nông nghiệp đi vào chiều sâu
Nổi bật là kết quả thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, GRDP bình quân đầu người đạt 32,6 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp đi dần vào chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ được mở rộng và tăng 6.000ha so với năm 2014. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến hơn, đưa sản lượng lúa vượt 184.000 tấn so với kế hoạch. Nông dân đã chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả cao hơn.
Điểm đáng lưu ý trong năm qua là các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp đang phát triển. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi vượt 2.318 tấn so với kế hoạch, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt trên 37.000 tỷ đồng, tăng 13,68% so với năm 2014. Doanh thu bình quân trên 1 héc ta đất trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm, tăng 4,8% so với năm 2014. Doanh thu bình quân trên 1 héc ta nuôi trồng thủy sản đạt 2,02 tỷ đồng/năm, tăng 3,22%% so với năm 2014.
Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả tích cực. Nổi bật nhất là xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng cá tra và lúa gạo; hình thành mối liên kết giữa người sản xuất với các thương lái, nhà vựa và doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều chương trình, dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án hợp tác công - tư phát triển nông nghiệp với Tập đoàn KRC - Hàn Quốc, hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc, Tổ chức sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á, Quỹ phát triển bền vững IDH, các tổ chức, doanh nghiệp của Hà Lan, Nhật Bản,..
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi vào cuộc sống, vai trò chủ thể của người dân được nâng lên, với nhiều mô hình tự nguyện, liên kết của người dân như: Tổ nông dân góp vốn xây nhà, Đội thanh niên tình nguyện xây dựng NTM, hộ gia đình chung sức xây dựng NTM, Tổ nhân dân tự quản, Tổ Phụ nữ tự quản môi trường, Tổ phụ nữ góp vốn xây nhà vệ sinh, phong trào phụ nữ 3 trong 1 (3 phụ nữ khá, giàu giúp 1 phụ nữ nghèo)... Nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư bằng các nguồn vốn của xã hội, góp phần thay đổi dần diện mạo nông thôn. Ước đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 27 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 22,68%, vượt 2,68% so với chỉ tiêu của Chính phủ.
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng tình hình phát triển kinh tế năm qua vẫn còn một số khó khăn do giá lúa và cá tra có lúc xuống thấp, khó tiêu thụ; liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa bền vững, do sự hợp tác của người dân chưa cao; chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn chưa đạt hiệu quả như mong muốn; trình độ tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ chưa tốt nên chi phí sản xuất cao; hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn thấp, chưa làm tốt vai trò cầu nối trong liên kết - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi khó kiểm soát; xây dựng NTM còn chậm so yêu cầu; tốc độ tăng trưởng của ngành chậm lại những năm gần đây.
“Giảm quyền lực, tăng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn”
Năm 2016, với đà phục hồi kinh tế thế giới cùng với thực hiện các hiệp định thương mại tự do sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương. Bên cạnh những thuận lợi, hội nhập cũng đặt nhiều thách thức đối với các mặt hàng thế mạnh. Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng nông - thủy sản gặp khó khăn, nhất là gạo do thị trường nhập khẩu bị thu hẹp. Hội nhập sẽ dẫn đến thách thức hàng hóa cạnh tranh gay gắt, nhất là các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự báo năm 2016 sẽ xảy ra hiện tượng El Nino kéo dài; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường là những thách thức lớn cho phát triển sản xuất và đời sống người dân.
Trên cơ sở xác định những thuận lợi và khó khăn, năm 2016, tỉnh đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm: 5 chỉ tiêu về kinh tế, 8 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội và 3 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 8,5%. khu vực nông nghiệp tăng 6,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8% so với ước thực hiện năm 2015. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020) đạt từ 10%/năm trở lên.
Trong đó, về nông nghiệp, sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đánh giá rủi ro, xác định những điểm nghẽn. Từ đó, xây dựng quy trình thực hiện phát triển từng ngành hàng, có lộ trình và phân công thực hiện cụ thể. Tổ chức thực hiện tốt chuỗi giá trị lúa gạo, cá tra, xúc tiến hình thành chuỗi giá trị hoa kiểng, xoài, vịt. Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ một số sản phẩm trái cây, rau màu, với sự tham gia của người sản xuất, hợp tác xã với các thương lái, nhà vựa và doanh nghiệp xuất khẩu.
Ở lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu công nghiệp, chú trọng hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp phục hồi sản xuất. Ưu tiên phát triển những ngành áp dụng công nghệ cao, sử dụng nguyên liệu là sản phẩm thế mạnh của tỉnh (lúa gạo, thủy sản), giải quyết lao động, để tăng tính liên kết trong sản xuất và chế biến, phát triển bền vững và tăng thu nhập cho lao động nông thôn; Tích cực liên kết đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối lớn, gắn với thực hiện hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, mở rộng thị phần ra nước ngoài. Xây dựng hệ thống liên kết giữa doanh nghiệp với nhà vựa và thương lái trong tiêu thụ nông sản.
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm nay, nhiều giải pháp được tỉnh chú trọng thực hiện. Cụ thể như tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, thu hút xã hội hóa, tăng doanh thu ngành du lịch, đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân... “Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tập trung cho vùng chuyên canh, đa dạng hơn các loại cây trồng, vậy nuôi và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, tính toán lại giá trị ngành nông nghiệp không dựa vào năng suất, sản lượng hay giá bán mà tính theo giá trị đóng góp cho các ngành khác“ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Công cho biết thêm.
“Ý tưởng sáng tạo, khơi nguồn thành công”, “Giảm quyền lực, tăng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn” là phương châm hành động của tỉnh trong năm 2016. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương yêu cầu các ngành, địa phương phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, khắc phục hạn chế, phát huy trách nhiệm người lãnh đạo, khơi dậy lòng nhiệt quyết, xây dựng bộ máy đồng thuận, vận hành nhanh hơn, thích ứng với sự thay đổi. Bên cạnh đó, chủ động đề xuất UBND tỉnh các giải pháp thực hiện nhanh thủ tục cho nhà đầu tư để “giảm quyền lực, tăng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn”, xây dựng kế hoạch và cơ chế rõ ràng để thu hút xã hội hóa.
Mỹ Nhân