Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chợ nông thôn

Cập nhật ngày: 08/04/2016 12:50:12

Những năm gần đây, hệ thống chợ nông thôn luôn được tỉnh Đồng Tháp chú trọng đầu tư, xây dựng. Để việc giao thương dần hoàn thiện, tỉnh ta cũng từng bước triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở hệ thống mạng lưới các chợ nông thôn.


Khu vực kinh doanh tại chợ Rạch Chanh được bố trí sạch - đẹp - thông thoáng, có bảng niêm yết giá rõ ràng

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 229 chợ hoạt động kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau. Những năm qua, trong lĩnh vực thương mại, việc quản lý và xử lý chất thải rắn tại các chợ nông thôn tương đối đầy đủ, đáp ứng theo đà phát triển chung. Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa theo hướng bền vững, hàng năm, Sở Công Thương Đồng Tháp luôn chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị, thành trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về BVMT trong toàn tỉnh để nâng cao nhận thức, pháp luật về BVMT tại các chợ.

Song song với việc tuyên truyền, Sở Công Thương cũng thực hiện thí điểm mô hình quản lý BVMT chợ nông thôn để đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm cải thiện, ngăn ngừa ô nhiễm từ các hoạt động của lĩnh vực này. Trong đó, có nội dung tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, góp phần rất lớn trong công tác quản lý BVMT.

Mô hình thí điểm quản lý BVMT chợ nông được thực hiện tại chợ Rạch Chanh thuộc ấp 3, xã Mỹ Trà (TP.Cao Lãnh) từ năm 2013. Kết quả mô hình là nhận thức của tiểu thương kinh doanh và người dân đã nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, tiểu thương tại chợ Rạch Chanh còn thực hiện tốt các đề án trong xây dựng chợ văn minh như: khu vực kinh doanh sạch - đẹp - thông thoáng, có bảng niêm yết giá rõ ràng, cách giao tiếp thân thiện, có nơi để rác đúng qui định...


Tiểu thương chợ Rạch Chanh (TP.Cao Lãnh) luôn chú trọng bảo vệ môi trường

Chị Nguyễn Thị Kim Hương - Tổ phó tổ ngành hàng chợ Rạch Chanh (TP.Cao Lãnh) phấn khởi chia sẻ: “Cá nhân tôi và các tiểu thương ở đây đều đồng tình ủng hộ việc quản lý BVMT tại chợ. Từ mô hình này, mình sẽ tận dụng triệt để những rác thải hữu cơ có thể tái sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, góp phần tăng thêm thu nhập và làm giảm đáng kể lượng rác thải”.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, bên cạnh các chợ thực hiện hiệu quả mô hình quản lý BVMT cho nông thôn thì vẫn còn đó một số vướng mắc, do số chợ có hệ thống nhà vệ sinh công cộng chỉ chiếm tỷ lệ thấp và đa số các hệ thống này đã xuống cấp. Mặt khác, do thiếu kinh phí nên việc tái đầu tư chợ từng năm luôn gặp khó khăn. Điều này kéo theo hệ lụy: nước thải từ hoạt động mua bán của các chợ chảy trực tiếp ra môi trường; nhiều chợ chưa có khu tập kết rác thải đúng quy định, số lượng thùng rác vẫn còn thiếu, rác thải đa số tại các chợ chưa được phân loại trước khi thu gom để xử lý. Chính vì thế, để xây dựng không gian mua bán văn minh lịch sự cho tiểu thương và người dân, công tác quản lý BVMT là một trong những điều kiện cấp thiết cần triển khai thực hiện.

Để nâng cao nhận thức của người dân về BVMT tại các chợ nông thôn, bà Nguyễn Hồng Hạnh - Trưởng phòng An toàn và Môi trường - Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình quản lý môi trường đến các chợ trong toàn tỉnh. Dự kiến ưu tiên cho các chợ nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới. Từ đây, giúp duy trì hoạt động quản lý BVMT chợ và tạo thuận lợi trong giao thương, mua bán hàng hóa. Đồng thời qua mô hình sẽ kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại gắn với BVMT, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương theo hướng sạch - đẹp, văn minh”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn