Ngành công thương hỗ trợ người dân và doanh nghiệp “vượt khó”

Cập nhật ngày: 12/06/2020 16:38:59

ĐTO - Trong những tháng đầu năm 2020, trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ngành công thương tỉnh có những giải pháp sáng tạo, hỗ trợ kịp thời giúp người dân, doanh nghiệp (DN) “vượt khó” và bắt nhịp lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới.

Nền kinh tế tăng trưởng chậm do ảnh hưởng dịch Covid – 19

Tại Đồng Tháp, nhiều DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX) phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm trong ngắn hạn.

Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt trên 27.700 tỷ đồng (giá so sánh với năm 2010), bằng 94,13% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có tăng trưởng chậm là ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh như: gạo lau bóng, miến, hủ tiếu, bánh tráng, thuốc viên các loại... giữ mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Riêng các nhóm khai thác cát, chế biến thủy sản, sản xuất thuốc lá có đầu lọc, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm may mặc... giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Sở Công Thương trước tình hình dịch Covid-19, người dân hạn chế đi lại, tránh tập trung đông người để chống dịch gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động thương mại, du lịch, vận tải... Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề tạm dừng hoạt động dẫn đến thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng nên tiết kiệm chi tiêu, chỉ tập trung mua sắm vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt trên 47.000 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch Covid-19 lây lan mạnh ra toàn cầu, các nước áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 408 triệu USD, bằng 86% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 33,5% kế hoạch. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đều có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành công thương tỉnh tích cực tham mưu đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực chủ động kết nối các DN, tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp với các chuỗi cung ứng, siêu thị, chợ đầu mối... nhằm xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nông sản trong và ngoài nước; thông tin kịp thời về nhu cầu thị trường, đặc biệt là việc giao nhận hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc giúp các DN và người dân điều tiết kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Tập trung tăng tốc những tháng cuối năm

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp đồng bộ, hiện tại, Đồng Tháp đang kiểm soát tốt dịch Covid – 19. Từ đó, góp phần giúp cho các DN và người dân an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Ngành công thương tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 68.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với ước thực hiện năm 2019; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 109.630 tỷ đồng, tăng 14,5% so với ước thực hiện năm 2019; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.220 triệu USD, tăng 4,71% so với ước thực hiện năm 2019.

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, ngành công thương Đồng Tháp đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, trong 6 tháng tới, ngành sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các DN vượt qua khó khăn. Đồng thời tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động sản xuất; khai thác triệt để những cơ hội, tạo thuận lợi tối đa cho các DN phục hồi và đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2020, tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu. Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, cơ khí chế tạo phục vụ cho nông nghiệp.

Đơn vị xây dựng kế hoạch hỗ trợ và nhân rộng 2 chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, xoài) gắn truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2015; tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và các hoạt động hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa trên trị trường trong nước. Nâng cao năng lực trong công tác dự báo thị trường và tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức cho các DN, các HTX, Tổ hợp tác sản xuất...

Đối với công tác khuyến công, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến. Cụ thể, tiếp tục phối hợp các địa phương, cơ sở, DN được hỗ trợ kinh phí khuyến công, phát triển ngành cơ khí; đẩy mạnh tiến độ thực hiện, nghiệm thu các đề án; khảo sát nhu cầu đăng ký hỗ trợ kinh phí khuyến công năm 2021; hỗ trợ DN có các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; tăng cường công tác giới thiệu các hoạt động kiểm toán năng lượng, đánh giá sản xuất sạch hơn và lắp điện năng lượng mặt trời đến các DN...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn