Nghề làm kẹo, mứt vào mùa
Cập nhật ngày: 18/01/2016 10:57:42
Chuyện làm bánh, mứt Tết truyền thống tưởng như đã dần mất đi bởi sự phong phú của bánh, kẹo đến từ các công ty trong và ngoài nước... nhưng nhiều lò làm bánh tráng, kẹo đậu phộng, mứt dừa, mứt bí, dưa gừng,... vẫn đỏ lửa bởi vẫn nhiều người tìm mua, cần dùng trong những ngày Tết.
Đến tham quan cơ sở sản xuất khô Hải Yến, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, thấy ngoài sản xuất khô cung cấp cho thị trường Tết, cơ sở này còn sản xuất kẹo đậu phộng để phục vụ thị trường trong, ngoài tỉnh. Ban đầu cơ sở chỉ sản xuất kẹo dùng trong gia đình, bán ở chợ Mỹ Hiệp. Dần dần thấy kẹo có chất lượng tốt, nên nhiều người tin tưởng đặt hàng. Bà Mỹ - chủ cơ sở cho biết: “Tết năm trước, chúng tôi đưa ra thị trường sản phẩm kẹo đậu phộng. Tết năm nay, ngoài sản xuất kẹo tiêu thụ thị trường trong tỉnh, cơ sở còn giao hàng tại Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh. Nhiều người tin tưởng đặt hàng vì chất lượng bảo đảm...”.
Những ngày này, bà Võ Thị Lan ngụ đường Cách mạng tháng Tám, phường 2, TP.Cao Lãnh đã chuẩn bị gừng, bí, khoai để làm mứt bán trong dịp Tết theo đơn đặt hàng. Bà Lan nói: “Tết năm nào cũng có người tìm đặt mua các loại mứt. Mứt, kẹo tôi làm bằng đường cát, đường phèn, phơi nắng tự nhiên, không dùng chất bảo quản. Do khách quen nên tôi làm theo khẩu vị từng người. Hàng làm ra giao cho khách, còn dư tôi đem ra chợ bán lẻ...”.
Không chỉ bánh, mứt, kẹo, một số hộ dân còn làm lạp xưởng bán trong thời điểm Tết. Chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Thái Phong ở phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết: “Gia đình tôi làm lạp xưởng nhiều đời, làm theo đơn đặt hàng. Mỗi dịp Tết, cơ sở làm khoảng 3.000 - 4.000kg lạp xưởng. Nguyên liệu được chọn lựa kỹ lưỡng, không sử dụng chất bảo quản; có cơ quan đến kiểm nghiệm đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng giờ rất cẩn thận, hàng không sạch, không đảm bảo là họ không dùng...”.
Về phía người tiêu dùng, dù thị trường thực phẩm khá phong phú về chủng loại, nhưng nhiều người vẫn chuộng các sản phẩm làm thủ công, bởi lý do đơn giản là biết người chế biến sản phẩm không dùng hóa chất. Chị Lương Thị Phượng ngụ đường Nguyễn Thái Học, phường 4, TP.Cao Lãnh bộc bạch: “Tôi có người thân tại TP.Hồ Chí Minh thích món nem chả lụa, lạp xưởng tại Đồng Tháp nên tôi đặt các cơ sở quen làm rồi gửi lên. Năm nay, họ còn dặn thêm dưa cóc, dưa xoài, dưa gừng, mứt chùm ruột. Giờ ai cũng sợ chất bảo quản nên mỗi khi Tết đến thường tìm đến người quen để đặt hàng...”. Chị Nguyễn Thị Thu ngụ tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Người thân của tôi ở ngoài tỉnh, nên tôi thường mua khô cá lóc, khô cá sặc gửi dùng trong dịp Tết. Tôi mua chỗ có uy tín, đảm bảo chất lượng ngon, sạch nên rất an tâm...”.
Sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với thực phẩm chế biến theo phương pháp truyền thống tại địa phương là một trong những yếu tố quan trọng để các cơ sở này hoạt động nhộn nhịp vào mỗi dịp Tết đến.
C.Phương