Nông nghiệp Đồng Tháp - những bước chuyển mình

Cập nhật ngày: 05/09/2018 09:53:52

ĐTO - Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), ngành nông nghiệp tỉnh nhà có nhiều khởi sắc, từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết tập trung quy mô lớn, phát huy lợi thế của mỗi ngành hàng chủ lực của địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm lúa gạo, cá tra, xoài đã gia tăng về mặt số lượng, giá trị, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân.


Nhiều giống hoa kiểng và quy trình sản xuất mới được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chuyển giao cho nông dân

Lúa gạo là một trong những ngành hàng được xem là thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm để nâng cao giá trị ngành hàng, từ đó góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ 1 - 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống.

Tình hình liên kết tiêu thụ đạt kết quả khả quan, sản lượng được các doanh nghiệp (DN), công ty liên kết tiêu thụ tăng dần qua các năm, việc liên kết tiêu thụ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Lợi nhuận bình quân 1ha sản xuất lúa trong vụ đông xuân đạt 13,1 triệu đồng (tăng 1,9 triệu đồng), vụ hè thu là 9 triệu đồng (tăng 340 ngàn đồng) và vụ thu đông là 10,9 triệu đồng (tăng 2,3 triệu đồng) so với cùng kỳ năm 2016.


Từ việc tổ chức lại sản xuất, thí điểm nhiều mô hình sản xuất mới, nông dân có thể giảm giá thành, tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa

Bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến như: sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; “Ứng dụng công nghệ cao sản xuất lúa hữu cơ” trên 2 loại giống IR 50404 và VD 20, giảm 20% giá thành sản xuất, tăng phẩm chất hạt gạo... cũng được triển khai ở nhiều huyện, thị...

Trước khi Đề án TCCNN được thực hiện, một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với ngành hàng xoài của Đồng Tháp là khó khăn trong thực hiện rải vụ, tổng sản lượng xoài chỉ được thu hoạch tập trung vào vụ thuận, tình trạng ùn ứ, mất giá liên tục tái diễn qua nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi được chọn lựa là 1 trong 5 ngành hàng của Đề án TCCNN, nhiều mô hình về thực hành rải vụ đã được ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh ở 2 khu vực trồng xoài trọng điểm của tỉnh là TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.

Kết quả sau 5 năm, ngành nông nghiệp đã xây dựng 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 6 mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn với tổng diện tích 416,5ha, đến nay diện tích sản xuất rải vụ thu hoạch cả tỉnh đạt 6.300ha. Nhân rộng mô hình trình diễn bao trái xoài trên 85% diện tích đã bao trái. Kết quả thực hiện rải vụ thu hoạch xoài đã khắc phục được tình trạng rớt giá, giúp nhà vườn có thu nhập tốt hơn.


Thành công của mô hình rải vụ xoài là tiền đề giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp, tiêu thụ

Từ năm 2015, tình hình liên kết tiêu thụ xoài khả quan hơn, nhà vườn đã chủ động liên kết với các Công ty: Good life, Rồng Đỏ, Long Uyên và Hợp tác xã xoài Mỹ Xương thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, sản lượng xoài được các công ty liên kết thu mua đạt trên 1.000 tấn. Năm 2017, sản lượng liên kết tiêu thụ đạt 3.741tấn. Ngoài thị trường nội địa, xoài tươi còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc..., một số công ty phát triển các sản phẩm xoài chế biến dạng sấy và gọt đông lạnh.

Đến nay, đã có 2 mô hình đạt chứng nhận GlobalGAP với tổng diện tích 33,65ha, có 2 mô hình đạt chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 48ha; hỗ trợ huyện Cao Lãnh xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát chu Cao Lãnh”. Qua 5 năm thực hiện Đề án TCCNN, Đồng Tháp đã xây dựng và quảng bá được thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp trong cả nước và nhiều nước trong khu vực Châu Á.

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng, diện tích hoa kiểng của tỉnh tăng từ 400,89ha vào năm 2013 lên 526,89ha vào năm 2017. Hoa kiểng Sa Đéc đã góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, hình thành thương hiệu “Thành phố hoa Sa Đéc” trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Để đạt được những kết quả nổi bật đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp và TP.Sa Đéc đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc đưa ngành hàng hoa kiểng phát triển sang một trang sử mới. Với chức năng thực hiện nghiên cứu, chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống nông nghiệp, đặc biệt là giống hoa kiểng, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa, năm 2017, Trung tâm đã cung ứng gần 400.000 cây giống cấy mô, cao gấp 20 lần so với năm 2008.

Song song đó, để kích cầu phát triển du lịch cho địa phương, TP.Sa Đéc đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng cho Làng hoa kiểng Sa Đéc gắn phục vụ tham quan du lịch, góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng hoa kiểng. Những năm gần đây, thành phố cũng tổ chức Lễ hội Hoa Xuân hàng năm thu hút khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan làng hoa Sa Đéc, cung ứng cho thị trường hơn 2 triệu giỏ hoa kiểng với nhiều chủng loại hoa mới, có giá trị cao, góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị hoa kiểng Sa Đéc.

Một trong những điểm nổi bật của ngành hàng cá tra sau 5 năm thực hiện Đề án TCCNN chính là sự thành công trong việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi và DN chế biến. So với năm 2013, diện tích của các hộ cá thể liên kết với các DN chế biến chiếm khoảng 11% thì năm 2017 diện tích này đã lên đến trên 80%. Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người nuôi ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất và kinh doanh từ nhỏ lẻ sang sản xuất có tổ chức, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ. Đồng thời giảm dần việc sản xuất tự phát, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra bị dư thừa, gây tổn thất cho người nuôi.

Toàn tỉnh hiện có 20 DN tham gia hoạt động nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích trên 965ha, chiếm khoảng 64% diện tích nuôi của toàn tỉnh. Còn lại là diện tích của hộ cá thể, trong đó diện tích liên kết với các DN khoảng 475 ha/238 cơ sở.

So với trước khi thực hiện tái cơ cấu, thu nhập của người dân đã tăng lên rất nhiều, năm 2013, thu nhập bình quân của người nuôi cá tra là 288 triệu đồng/ha, thì đến năm năm 2014 đã tăng lên mức 312 triệu đồng (tăng 24 triệu đồng) và đến năm 2017, thu nhập của người nuôi đạt 1.022 triệu đồng/ha, tăng 734 triệu đồng so với năm 2013.


Mô hình nuôi nhốt vịt trứng giúp nông dân quản lý được dịch bệnh, chất lượng trứng được kiểm soát chặt chẽ

Mặc dù tốc độ bắt nhịp của ngành hàng vịt chậm so với 4 ngành hàng còn lại, song với sự quyết tâm đổi mới của người nông dân, sau 5 năm thực hiện Đề án TCCNN, ngành hàng này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người nông dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ nuôi vịt chạy đồng nhiều rủi ro sang nuôi nhốt cho giá trị cao và an toàn sinh học, tổ chức quản lý chặt chẽ ngành chăn nuôi vịt, tiêm phòng, không để phát sinh dịch cúm gia cầm trên địa bàn, thực nghiệm thành công mô hình nuôi nhốt vịt trứng làm cơ sở phát triển mô hình liên kết giữa DN với người nuôi. Hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 6 Tổ hợp tác chăn nuôi vịt hướng trứng với tổng đàn vịt là 227.690 con.

Các tổ hợp tác sản xuất có gắn kết với các DN thu mua trứng vịt và các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi nên người chăn nuôi an tâm sản xuất, chi phí đầu vào thấp (mua thức ăn chăn nuôi từ các công ty), chất lượng trứng tốt hơn nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn từ 150 – 250 đồng/trứng so với giá trứng của các hộ nuôi vịt chạy đồng hoặc không có liên kết sản xuất – tiêu thụ.

TCCNN là một đề án lớn nhận được sự hưởng ứng và vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Sau 5 năm đề án đi vào đời sống và thực tiễn đã giúp người nông dân tỉnh nhà có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn trong phát triển nông nghiệp, nông dân đã từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn