Vai trò của khoa học công nghệ trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 23/10/2015 12:23:32

Đối với ngành hàng lúa gạo, diện tích gieo trồng lúa của Đồng Tháp năm 2014 đạt 525.262ha, sản lượng 3,31 triệu tấn, đứng hàng thứ 3 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để cải thiện ngành hàng lúa gạo, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung mở rộng mô hình cánh đồng liên kết. Diện tích cánh đồng liên kết chỉ có 17.127ha năm 2012 đã tăng lên 51.287ha năm 2013 với lượng lúa thu mua 94.566 tấn. Năm 2014, diện tích cánh đồng liên kết của Đồng Tháp 92.542ha, thu mua 87.929 tấn.


Đại biểu tham quan mô hình trình diễn các giống lúa mới do Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tổ chức tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật, KHCN vào việc bảo quản hạt giống, tuyển chọn và phục tráng các giống lúa phù hợp với địa phương và nhu cầu thị trường; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để làm giảm chi phí sản xuất lúa, tăng năng suất lúa; thực hiện chương trình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP. Phổ biến các giống lúa thơm đặc sản, giống lúa giàu dinh dưỡng cho bệnh nhân (gạo giàu sắt, giàu kẽm, giàu protein, giàu vitamin A...), gạo cho người bị đái tháo đường (gạo có lượng đường tổng số thấp). Ứng dụng nấm xanh và nấm trắng trong phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá trên lúa.

Trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng hạt gạo theo Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ứng dụng kỹ thuật canh tác theo công nghệ cao phục vụ cho thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Ở ngành hàng xoài, diện tích sản lượng xoài của Đồng Tháp năm 2005 chỉ có 6.401ha và 49.177 tấn thì năm 2014 đã lên 9031ha và 85.992 tấn, đứng đầu ĐBSCL.

Ngành nông nghiệp cùng với Sở KHCN và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP/Global GAP được 200ha. Hiện xoài Đồng Tháp đã bắt đầu xuất qua Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc...

Qua các chương trình, dự án hợp tác với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp tiếp tục xây dựng các mô hình rải vụ xoài để có xoài quanh năm phục vụ cho xuất khẩu, kéo dài thời gian bảo quản trái xoài tươi, hạn chế tỷ lệ hao hụt trong vận chuyển xoài, hoàn chỉnh qui trình xử lý xoài ra hoa trong mùa nghịch, qui trình phòng trừ sâu bệnh và bao trái xoài, kêu gọi các nhà đầu tư nhà máy chế biến xoài đặc sản ở Đồng Tháp.

Năm 2013, diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh khoảng 550ha, tập trung chủ yếu tại TP.Sa Đéc. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao đã cung ứng 130.000 cây giống phong lan, cúc đồng tiền, cúc Pháp, tiểu la lan, sống đời, lan Ý Mỹ, hồng môn, hồng... Bên cạnh đó, Trường Đại học Cần Thơ đã hợp tác thực hiện các nghiên cứu về thành phần cơ chất thích hợp cho kiểng chậu, kỹ thuật điều khiển ra hoa mai vàng và cúc mâm xôi; nghiên cứu thành phần sâu bệnh hại một số đối tượng hoa kiểng chính của Đồng Tháp.

Nhu cầu ứng dụng KHCN cho ngành hàng hoa kiểng trong thời gian tới rất lớn, Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao sẽ tăng cường năng lực sản xuất các giống hoa kiểng cấy mô các loại để cung ứng cho nhà vườn. Hoàn chỉnh các qui trình điều khiển ra hoa ngay dịp Tết theo hướng thích nghi biến đổi khí hậu đối với những loại hoa có giá trị kinh tế cao. Phổ biến qui trình bảo quản hoa cắt cành cho những loại hoa có giá trị kinh tế cao. Xây dựng các mô hình quản lý dinh dưỡng tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp, thích nghi biến đổi khí hậu bằng nhà màng. Mở rộng mô hình trồng rau, hoa kiểng trong nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt tự động.

Song song với trồng trọt, những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh nhà cũng chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho chăn nuôi, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giống vật nuôi, sản phẩm thịt và trứng... đặc biệt đã thay đổi phần nào nhận thức của người chăn nuôi theo phương thức truyền thống. Các mô hình ứng dụng nông nghiệp KHCN được thực hiện trong thời gian qua như: ứng dụng vắc-xin trong phòng dịch bệnh, mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, sử dụng các trang thiết bị tự động, bán tự động trong chăn nuôi... kết hợp tận dụng phụ phẩm khí sinh học trong chăn nuôi.


Mô hình chăn nuôi vịt trên đệm lót sinh học.
Ảnh: Mỹ Lý

Riêng ngành hàng cá tra, hiện nay, các phòng nghiên cứu bệnh ở động vật thủy sản được xây dựng ở nhiều nơi trong toàn tỉnh. Đồng Tháp hiện có 157 cơ sở sản xuất - kinh doanh và 1.488 cơ sở ương giống thủy sản. Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán và phòng trị tiên tiến cũng được phát triển nhằm phục vụ chẩn đoán bệnh, một số phương pháp hiện đại đã được ứng dụng để chẩn đoán nhanh bệnh ở thủy sản như: chẩn đoán bằng phương pháp miễn dịch học (ELISA); chẩn đoán bằng phương pháp sinh học phân tử (PCR).

Đối với mặt hàng cá tra, trên 95% vùng nuôi được chứng nhận sản xuất an toàn, các nhà máy chế biến cá tra như Vĩnh Hoàn, Hùng Cá xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Vĩnh Hoàn tận dụng các phế phẩm sản xuất colagel, dầu cá, phân bón sinh học...

Theo chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong thời gian tới, KHCN càng có vai trò quan trọng để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ths Nguyễn Phước Tuyên Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn Đồng Tháp

Đồng Tháp là tỉnh được Chính phủ chọn thí điểm tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Nội dung chính của tái cơ cấu nông nghiệp là hợp tác, liên kết với thị trường tiến tới giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và đa dạng hóa nông sản chế biến. Để thực hiện nội dung trên rất cần hỗ trợ của khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là 5 ngành hàng chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn