Hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh, bền vững

Cập nhật ngày: 23/01/2024 05:26:19

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240123052948dt2-3.mp3

 

ĐTO - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế sản xuất tất yếu của ngành nông nghiệp hiện nay. Thời gian qua, mô hình này đang phát triển mạnh tại Đồng Tháp. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước và người sản xuất…


Hợp tác xã Rau an toàn Long Thuận (huyện Hồng Ngự) là một trong những đơn vị hưởng ứng thực hiện canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn, hữu cơ

Đồng Tháp có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng như: lúa, cây ăn trái, các loại rau màu... Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, tỉnh ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 12/7/2022 về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp.

Trên tinh thần đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực hiện tham mưu và tư vấn cho người sản xuất. Đồng thời, tỉnh còn phối hợp với Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) thực hiện Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2026 tại các trường học, hợp tác xã trên địa bàn.

Thông qua các giải pháp trên, tạo ra phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: mô hình sản xuất xoài hữu cơ (sử dụng giống xoài Cát Hòa Lộc) tại Ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình; mô hình sản xuất xoài hữu cơ (sử dụng giống xoài Cát Chu) tại xã Hòa An, TP Cao Lãnh; mô hình xây dựng vườn rau hữu cơ tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp thực hiện tại Ấp 3, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh; mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc tại Hợp tác xã Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông; mô hình sản xuất sen hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười...


Dự án nông nghiệp hữu cơ của Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) triển khai giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Đối với Dự án nông nghiệp hữu cơ của Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) thực hiện tại Đồng Tháp mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến cuối tháng 4/2023 (Dự án thực hiện tại Đồng Tháp từ tháng 5/2019 - 4/2023), trên địa bàn tỉnh có 9 nhóm nông dân tham gia dự án, trong đó có 6 nhóm được cấp chứng nhận hữu cơ; sản lượng rau tiêu thụ đến tháng 4/2023 là 5,9 tấn (liên kết tiêu thụ với các công ty thu mua tại TP Hồ Chí Minh và các chợ địa phương). Riêng trong giáo dục, dự án đã xây dựng được 20 vườn rau tại 20 trường học, đồng thời tham gia tập huấn nấu ăn các món truyền thống và chế biến bảo quản...

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp hữu cơ đều mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con nông dân ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tăng dần việc sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học, làm quen việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học, tuân thủ thời gian cách ly thuốc, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng. Qua đó, giúp bà con nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận từ nông nghiệp

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, việc quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng an toàn sinh học có hiệu quả tương đối chậm nên nông dân chưa mạnh dạn áp dụng, nhân rộng; thị trường tiêu thụ giới hạn; thiếu cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ... do đó, khó vận động người dân thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp định hướng một số giải pháp thực hiện. Theo đó, tiếp tục triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; dựa vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ nhằm xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực; xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ...

Bên cạnh các giải pháp, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các cơ chế khuyến khích để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả. Trong đó, kiến nghị hỗ trợ tỉnh kết nối triển khai thực hiện Dự án về đánh giá chất lượng đất, nước để định hướng cải tạo chất lượng đất, nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; xem xét sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; rà soát, ban hành các Tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất hữu cơ để chứng nhận hợp chuẩn tiêu chuẩn Quốc gia về nông nghiệp hữu cơ; hướng dẫn về quy trình sản xuất hữu cơ và kiểm tra, giám sát sản phẩm được chứng nhận...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn