Người dân ngăn cản nạo vét đất bãi bồi kênh Lòng Hồ do chưa rõ chủ trương

Cập nhật ngày: 10/06/2016 16:01:00

ĐTO - Người dân sợ rằng chính quyền địa phương nạo vét đất bãi bồi kênh Lòng Hồ để cho thuê nuôi trồng thủy sản nên hàng chục hộ dân ở ấp Tân Bình Thượng, xã Tân Hòa (huyện Thanh Bình) đã ngăn cản không cho thi công công trình.


Người dân xã Tân Hòa ngăn cản thi công nạo vét bãi bồi kênh Lòng Hồ

Khu vực đất bãi bồi tiếp giáp kênh Lòng Hồ thuộc ấp Tân Bình Thượng có tổng diện tích hơn 17,6ha do UBND xã Tân Hòa quản lý. Khu vực này có chiều dài hơn 2.000m, chiều ngang rộng nhất hơn 166m, khu vực hẹp nhất rộng hơn 36m.

Do kênh Lòng Hồ đã bị bồi lắng, gây cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt của người dân và nước tưới tiêu cho diện tích 250ha lúa, hoa màu, khu nuôi thủy sản ở địa phương nên UBND huyện Thanh Bình có chủ trương giao cho UBND xã Tân Hòa làm chủ đầu tư công trình nạo vét đất bãi bồi dọc kênh để phục vụ nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp và làm ranh giới giữa phần đất của dân với khu vực bãi bồi do Nhà nước quản lý.

Theo phê duyệt của UBND huyện Thanh Bình vào ngày 11/5/2016 thì quy mô nạo vét bề rộng mặt kênh là 10m, độ sâu 2m và đáy kênh 4m.

Phương án thực hiện là đổ đất từ khu vực bãi bồi ra phía kênh Lòng Hồ hiện hữu để tạo thành kênh ranh với đất của dân.

Phía giáp đất dân lưu không đảm bảo tối thiểu 3m (từ đất của dân ra để lại tối thiểu 3m). Trong các ngày 30/5 và 3/6/2016, UBND xã Tân Hòa tổ chức cho đơn vị thi công nạo vét đất bãi bồi kênh Lòng Hồ thì bị người dân ngăn cản không cho thi công.

Ông Ngô Văn Beo (54 tuổi, ngụ ấp Tân Bình Thượng) cho biết: “Ngày 28/5, xã phát loa thông báo ngày 29/5 tiến hành nạo vét kênh Lòng Hồ, nhưng không biết công trình thực hiện để làm gì. Tưởng là nạo vét giữa lòng kênh, ai ngờ họ múc đất trong bãi bồi để tạo thành một dòng kênh mới song song với kênh cũ. Nạo vét như vậy chúng tôi sợ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, lâu dài có thể bị sạt lở đất”.

Ông Mai Tấn Sỹ (46 tuổi) nói: “Trước đây, do sạt lở, dân địa phương đã mất đất rất nhiều. Vài năm gần đây, thấy đất bồi trở lại nên ai nấy cũng mừng, nhưng giờ lại múc thêm 1 con kênh mới, dân sống cận bờ kênh nên rất sợ trẻ em đuối nước”.

Những người phản đối việc nạo vét đất bãi bồi kênh Lòng Hồ cho hay, vì không hiểu mục đích nạo vét bãi bồi làm gì nên sợ khi hoàn thành công trình, huyện sẽ cho chặn dòng kênh Lòng Hồ cũ lại để cho thuê nuôi thủy sản, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, qua tìm hiểu, việc người dân không cho thi công công trình một phần là do muốn “sở hữu” phần đất bãi bồi tiếp giáp với ranh đất của họ để trồng trọt, chăn nuôi tăng thêm thu nhập.

Ông Võ Tấn Phong - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, theo chỉ đạo của UBND huyện, phần đất lưu không tiếp giáp với đất dân sẽ để lại tối thiểu 3m, nhưng để đảm bảo lợi ích cho người dân, xã chỉ đạo cán bộ địa chính đo đạc, cắm ranh cho người dân dôi dư ra bãi bồi thêm 5m so với thực tế đất của họ đang được cấp quyền sử dụng. Đồng thời, để tránh việc sạt lở đất của dân khi công trình hoàn thành, từ trụ ranh đất dư dôi đã cắm, địa phương cũng bỏ xa ra thêm từ 10 - 12m mới cắm mốc cho nạo vét.

Ông Phong cho hay, xã rút kinh nghiệm vì trước khi thi công công trình chưa họp dân để thông báo cách tiến hành nạo vét kênh Lòng Hồ, dẫn đến việc người dân phản ứng.

Theo ông Nguyễn Văn Na - Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, thời gian qua, công tác quản lý đất công, đặc biệt là đất bãi bồi của huyện còn nhiều hạn chế nên tổ chức thống kê lại toàn bộ diện tích đất công trên địa bàn để cắm mốc quản lý, trong đó có đất bãi bồi ở xã Tân Hòa. Đối với đất bãi bồi kênh Lòng Hồ, nạo vét nhằm phục vụ nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân ấp Tân Bình Thượng và phân ranh giới đất bãi bồi. Trước những phản ứng của người dân, UBND huyện chỉ đạo xã Tân Hòa tổ chức họp dân để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ chủ trương thực hiện công trình.

Ông Nguyễn Văn Na cho biết: “Bà con lo lắng trong thời gian nạo vét kênh, nước sẽ bị đục không sử dụng sinh hoạt được, sợ đất lở và cho rằng sau khi nạo vét xong sẽ cho thuê bãi bồi này để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tôi khẳng định khu vực bãi bồi hiện nay không có quy hoạch nuôi trồng thủy sản và chưa có kế hoạch sử dụng cụ thể vì nó mới bồi lắng, chưa ổn định”.

Theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND quy định về quản lý và khai thác quỹ đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành ngày 11/12/2014 thì đất bãi bồi ven sông; đất có mặt nước nội địa là những quỹ đất do Nhà nước quản lý nên UBND xã Tân Hòa quản lý khu đất bãi bồi kênh Lòng Hồ là phù hợp với quy định.

Thiết nghĩ, việc tổ chức thi công nạo vét kênh Lòng Hồ ngoài việc phân ranh giới đất công còn nhằm mục đích phục vụ nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, chính quyền địa phương đã cắm mốc cho người dân dư dôi ra bãi bồi thêm 5m, đồng thời bỏ hơn 10m nữa mới tiến hành thi công công trình sẽ tránh được nguy cơ sạt lở đất dân khi công trình hoàn thành, vì thế người dân cần đồng thuận và ủng hộ chủ trương nạo vét đất bãi bồi này để công trình được nhanh chóng triển khai và đưa vào sử dụng.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn