Câu chuyện ăn uống

Cập nhật ngày: 20/08/2018 14:43:37

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018082003353120-8 Cau chuyen an uong-Xich Lo.mp3

Có lẽ, không ít người nghĩ rằng, tiếp khách, tiệc tùng, chiêu đãi chắc là sướng lắm?!? Nào là, “mâm cao cỗ đầy”, nào là “sơn hào hải vị”. Nhưng coi vậy mà hổng phải vậy đâu! Món chủ nhà cho là ngon, thậm chí là “quốc yến” của họ nhưng chưa chắc ngon với khách. Rồi đâu có ngồi ăn mà yên vị đâu. Hết đứng lên rồi lại ngồi xuống để mà làm quen, để mà chúc tụng. Ăn tiệc thì phải khẽ khàng, phải hết quay bên này lại sang bên kia để mà giao lưu. Riết rồi, có người khi được mời ăn cơm khách thốt lên, rồi lại “ăn vì dân vì nước”! Rõ khổ!


Ảnh: Mỹ Lý

Nhưng được tham dự tiệc tùng cũng có khi hay hay nếu biết quan sát một chút thôi. Vừa rồi, được đi đến một đất nước phương Bắc, mà khi nhắc đến chuyện ăn uống chắc rằng mọi người đều liên tưởng đến những bữa tiệc mười mấy món chủ yếu là chiên xào, là dầu mỡ. Nghe tới mà phát ngán! Nhưng không phải vậy đâu! Từ khi có chủ trương tiết kiệm, bữa tiệc chiêu đãi của họ chỉ gói gọn trong 5 - 7 món, mỗi món vừa gắp đủ 2 - 3 đũa là xong, rượu chỉ uống khai tiệc và tiễn khách. Nghĩ lại, mình còn nhiều phung phí trong các cuộc liên quan, khánh tiết, đám tiệc. Dường như mình cho rằng, những bữa tiệc thừa mứa như vậy mới là hiếu khách, là rộng rãi, là trọng thị?!?

Thay đổi được không? Hãy bắt đầu từ người lãnh đạo và bộ phận văn phòng, từ mỗi gia đình. Hãy nhớ rằng, đối với nhiều khách, nhất là khách nước ngoài, họ xem ăn uống thừa mứa là lãng phí, là thiếu văn hóa, là không văn minh! Thậm chí, họ còn suy luận rằng những thức ăn thừa bỏ đi có thể nuôi được nhiều người còn khốn khó... Thì đó, đi một vài đất nước gần bên mình, trong các nhà hàng búp-phê họ còn ghi rõ là nếu để thức ăn thừa thì sẽ bị phạt bao nhiêu tiền nữa đó... Mà “đau” hơn là, họ ghi luôn bằng tiếng Việt. Vậy mình suy nghĩ gì khi đứng trước những biển báo như vậy?

Vậy đó, câu chuyện ăn uống đâu có đơn giản là đưa thức ăn, nước uống vào miệng, là khứu giác, là vị giác nữa đâu! Ăn uống là văn hóa! Người ta còn gọi là “văn hóa ẩm thực” kia mà. Đãi khách đâu chỉ là làm cho khách thấy no, thấy ngon, mà còn là niềm tự hào khi giới thiệu đặc sản bản địa của địa phương mình. Hôm dự chiêu đãi ở một thành phố nước bạn, người chủ tiệc là quan chức cao nhất đứng ra tự giới thiệu từng món ăn, thức uống khi người phục vụ mang ra: “Đây là món chim bồ câu được nuôi ở vùng gì đó và khi đúng 13 ngày sẽ mang đi chế biến nên thịt nó vừa mềm vừa ngọt”; “Đây là món thịt bò nuôi bằng loại thức ăn gì đó làm cho thịt thơm, không dai”; “Đây là con cá quý vị thấy tuy nó nhỏ xíu vậy nhưng được đánh bắt ở suối gì đó, sở dĩ nó ngon là vì nguồn nước ở đó trong lành, hoàn toàn không bị ô nhiễm”; “Đây là cái bánh được làm từ một loại ngũ cốc được người dân làm ra cả trăm năm nay, nó vừa dẻo, vừa thơm mùi đồng nội”; “Còn đây là trái táo trồng trên đỉnh núi gì đó nhiệt độ rất thấp nên vị nó rất thanh, màu nó rất tươi”; “Và còn đây, còn đây, còn đây nữa...”. À, họ còn hướng dẫn cách ăn uống sao cho thuận tiện và ngon nhất nữa đó...

Vậy đó, hết món này đến món kia đều được chủ nhân giới thiệu bằng tất cả sự tự hào như giới thiệu thắng cảnh này, danh lam nọ. Mà đâu chỉ bằng lời nói, trong cái “mơ-nu” đặt trên bàn cũng giới thiệu kỹ lưỡng như vậy. Vậy mới biết, người ta biết cách quảng bá hình ảnh địa phương như thế nào. Ai đó nói rằng “con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày” kia mà! Mình có cần học không từ những điều thú vị trong một bàn tiệc, từ câu chuyện ăn uống? Quê mình đâu thiếu những đặc sản nhưng dường như mình chưa chú tâm để quảng bá... Con cá linh đâu phải địa phương nào cũng có! Trái xoài mình tự hào là “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh” sao khách đến lại mang nho Tàu, táo Tây ra đãi? Nếu biết chăm chút bằng kỹ năng bếp núc và lòng tự hào thì con cá cơm, cá mồm, con ốc, con cua cũng sẽ mang đến cho khách những trải nghiệm thú vị về dòng thủy sản nước ngọt. Người ta còn biết biến trái bần thành đặc sản xuất khẩu, trong khi mình nhiều khi chỉ biết khen ngợi rồi để đó...

Khách du lịch, nhất là người nước ngoài, đến quê mình đâu phải để ăn uống những thứ mà xứ họ có. Họ muốn trải nghiệm, muốn khám phá, để cảm nhận được một vùng đất mới, những con người mới, với cách ẩm thực khác lạ, nét văn hóa được kết tinh từ những bản sắc riêng. Mình phải hiểu như vậy để đáp ứng yêu cầu đó. Người ta gọi đó là “phát huy tiềm năng bản địa để phục vụ cho sự phát triển”. Muốn làm được như vậy, phải biết chăm chút từng chút từng chút một. Đừng qua loa, đừng dễ dãi, đừng hời hợt! Chắc là phải bắt đầu từ thủ trưởng cơ quan, đơn vị, những người sẽ là chủ tiệc, và rồi bộ phận văn phòng... Rồi, những người làm văn hóa, làm du lịch cũng phải cảm nhận những điều thú vị từ những “câu chuyện nhỏ” trên bàn ăn. Và, sao mỗi người chúng ta không tự tin để trở thành một “Đại sứ ẩm thực Đất Sen hồng”?.

Phải vậy không? Nào, hãy cầm đũa lên, giới thiệu bằng niềm tự hào về đặc sản của quê hương xứ sở và... mời khách!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn