Xã Gáo Giồng

Linh hoạt trong xây dựng và phát triển mô hình liên kết

Cập nhật ngày: 08/04/2016 12:53:57

Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng mô hình liên kết được xã Gáo Giồng vận dụng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác.


Cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Gáo Giồng

Với hơn 3.500ha sản xuất chuyên canh lúa, Gáo Giồng là một trong những xã có diện tích sản xuất lúa quy mô lớn của huyện Cao Lãnh. Những năm qua, mô hình liên kết ngang và liên kết dọc được chú trọng phát triển và nhân rộng trên địa bàn xã. Hiện tại, có hơn 1/3 diện tích sản xuất lúa của xã được gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là đích đến cuối cùng mà địa phương hướng tới. Kết quả bước đầu này là sự cố gắng không ngừng của địa phương trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Ông Phan Văn Định - Bí thư Đảng ủy xã Gáo Giồng cho biết, lâu nay tư duy về mô hình hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn trong nếp nghĩ của người dân, đây cũng là một trong những rào cản lớn trong xây dựng mô hình kinh tế hợp tác hiện nay. Vì vậy, song song với việc hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất thì công tác tuyên truyền về xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển mô hình kinh tế hợp tác được địa phương đặc biệt chú trọng. Các mô hình tuyên truyền lồng ghép ở các tổ tự quản, chi bộ ấp được thực hiện đều đặn và có sự chỉ đạo, giám sát của lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, để người dân hiểu biết và có cái nhìn toàn diện hơn trong phát triển mô hình hợp tác xã, địa phương cũng tạo điều kiện để nông dân tiếp cận thực tế. Tuyên truyền những mặt mạnh của mô hình liên kết thì địa phương cũng phân tích những “điểm nghẽn” mà mô hình hợp tác xã hiện nay đang vướng. Từ đó, nông dân có những góc nhìn đa chiều hơn về bức tranh nền sản xuất và quy luật cơ chế thị trường.

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp của xã đều trồng các giống lúa chất lượng cao. Hơn 98% diện tích sản xuất được sử dụng cơ giới hóa. Điều này cho thấy, phần lớn nông dân có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và bắt đầu nhìn nhận rõ hơn về phát triển mô hình để cùng nhau “mần ăn lớn”.

Ông Nguyễn Văn Lăng - xã viên Hợp tác xã (HTX) Gáo Giồng số 2 chia sẻ: “Mấy năm nay nhờ gắn kết với HTX mà việc sản xuất của gia đình có hướng ổn định. Đầu vụ, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng với HTX, lúa được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định nên mình chỉ chuyên tâm sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Gáo Giồng số 2 cho biết: “Hiện tại, hầu hết diện tích sản xuất của HTX đều được Công ty TNHH MTV Hiếu Nhân, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ bao tiêu đầu ra. Sau hơn 2 năm thực hiện liên kết, phần lớn nông dân đều hài lòng và đánh giá cao cách thức làm ăn của doanh nghiệp này. Trong quá trình xây dựng mô hình liên kết, chúng tôi nhận thấy, để mô hình kinh tế hợp tác thành công thì cả nông dân và doanh nghiệp phải có trách nhiệm và giữ uy tín với nhau, cùng san sẻ khó khăn cũng như hài hòa lợi ích thì mối liên kết mới có thể bền chặt”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Gáo Giồng Phan Văn Định, xác định doanh nghiệp là một mắc xích quan trọng trong chuỗi liên kết, vì vậy ngoài việc được huyện giới thiệu và tiếp cận với doanh nghiệp thu mua thì các HTX và chính quyền địa phương luôn chủ động trong kết nối với doanh nghiệp. Bên cạnh việc làm tốt vai trò làm cầu nối, chính quyền xã Gáo Giồng cũng luôn song hành và sát cánh với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi hợp tác liên kết tại địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các đề án, chương trình trọng điểm của tỉnh để người dân hiểu và tham gia quyết liệt hơn.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn