Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Cập nhật ngày: 24/12/2020 10:14:30

ĐTO - Thời gian qua, công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được triển khai, đi vào chiều sâu. Qua đó, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với đòn bẩy từ Chương trình SPCNNTTB, xuất hiện nhiều sản phẩm có chất lượng và mang tính cạnh tranh cao.


Gạo Ngọc đỏ hương dứa của Hợp tác xã Giống Nông nghiệp Định An đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Hiệu quả từ công tác bình chọn

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp, những năm qua, việc bình chọn SPCNNTTB là một trong những nội dung được tỉnh quan tâm thực hiện trong Chương trình khuyến công địa phương. Các sản phẩm tham gia và đạt chứng nhận tập trung ở 3 lĩnh vực: chế biến thực phẩm, cơ khí - chế tạo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm tham gia bình chọn SPCNNTTB cơ bản là những sản phẩm đặc thù của tỉnh. Theo đó, sản phẩm tham gia bình chọn đã khẳng định ưu thế về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ mạnh... Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 129 SPCNNTTB cấp tỉnh, 28 sản phẩm cấp khu vực, 6 sản phẩm cấp Quốc gia.

Để sản phẩm các cơ sở phát triển trên thị trường, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí khuyến công thực hiện thay đổi máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại; thay đổi công nghệ đóng gói, bao bì; hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều SPCNNTTB đặc trưng của tỉnh không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn có mặt tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong cả nước.

Trong năm 2020, huyện Lấp Vò tiếp tục phát động và phối hợp với Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thấu hiểu về lợi ích việc tham gia bình chọn SPCNNTTB trên địa bàn huyện. Qua triển khai, có 11/13 sản phẩm được bình chọn đạt cấp huyện và tiếp tục giới thiệu tham gia bình chọn SPCNNTTB cấp tỉnh.

Từ một sản phẩm ít được biết đến, thế nhưng từ khi được bình chọn SPCNNTTB, gạo Ngọc Đỏ hương dứa của Hợp tác xã Giống Nông nghiệp Định An (xã Định An, huyện Lấp Vò) đã có chỗ đứng trên thị trường. Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc Hợp tác xã Giống Nông nghiệp Định An cho biết: “Với mong muốn đưa sản phẩm nâng tầm cao mới, tôi đẩy mạnh đầu tư cải tiến sản xuất giống lúa theo đúng yêu cầu thị trường. Việc bình chọn SPCNNTTB góp phần giúp đơn vị kích thích sự sáng tạo trong sản xuất. Trong đó, chú trọng việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị trường, tìm ra những giải pháp tối ưu trong sản xuất giống lúa”.

Ông Trần Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Kết quả của quá trình phát động bình chọn SPCNNTTB trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động khuyến công. Qua đó khuyến khích được khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác... Điều này tạo động lực cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển, góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.


Sản phẩm tranh sen của Hộ kinh doanh Bảy Nghĩa (huyện Lấp Vò) đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020

Tạo đà cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Theo ông Nguyễn Văn Luận – Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp, thời gian qua, công tác triển khai chương trình bình chọn SPCNNTTB thu hút được nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, số lượng tham gia hàng năm tăng cao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm sau khi được nhận và tôn vinh là SPCNNTTB các cấp sẽ được hỗ trợ tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước; xét ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và địa phương để tiếp tục phát triển sản phẩm; giới thiệu, hỗ trợ, kết nối SPCNNTTB vào hệ thống siêu thị. Đồng thời, trưng bày tại các gian hàng chung của tỉnh ở các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại...

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai công tác bình chọn SPCNNTTB còn nhiều hạn chế như: một số sản phẩm dự thi chưa đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định bảo vệ môi trường, mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn. Ngoài ra, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia chương trình bình chọn SPCNNTTB nên chưa nhiệt tình tham gia...

Theo Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp, để công tác bình chọn SPCNNTTB ngày càng có sức lan tỏa, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn các cấp. Đồng thời xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với từng địa phương, cơ sở có sản phẩm được công nhận để tư vấn, định hướng và có hỗ trợ sát thực, hiệu quả từ các hoạt động khuyến công. Bên cạnh đó, phối hợp các chương trình khác của tỉnh như OCOP, khởi nghiệp nhằm tìm kiếm sản phẩm đạt giải, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phát triển.

Ông Nguyễn Văn Luận – Giám đốc KC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết: “Đơn vị sẽ phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất và hỗ trợ các sản phẩm đạt giải cấp tỉnh tham gia bình chọn SPCNNTTB cấp khu vực, cấp Quốc gia. Đồng thời hỗ trợ tích cực các sản phẩm đạt giải các cấp tham gia các kỳ hội chợ triển lãm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá và giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu để đưa sản phẩm đến với thị trường. Ngoài ra, tăng cường cung cấp thông tin, thị trường, đổi mới công nghệ; bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức quản lý; tập trung hỗ trợ kinh phí “tạo đà” cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất”.

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn