Xuất nhập khẩu năm 2020 giảm mạnh do ảnh hưởng đại dịch

Cập nhật ngày: 30/12/2020 09:52:13

ĐTO - Sở Công Thương Đồng Tháp vừa thông tin như vậy tại hội nghị tổng kết ngành năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.


Doanh nghiệp tỉnh giới thiệu sản phẩm tại chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa của Đồng Tháp với Công ty CP thương mại Bách hóa xanh

Năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid 19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Nhóm doanh nghiệp (DN) nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) là nhóm DN bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn DN của tỉnh vẫn duy trì trong điều kiện khó khăn nhờ vào nguồn nguyên liệu tại chỗ (lúa và cá tra). Ngành chế biến thủy sản và chế biến thức ăn chăn nuôi tăng trưởng và tiếp tục là động lực chính đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều tăng nhẹ so với cùng kỳ (chế biến thủy sản tăng 2,89%; chế biến thức ăn chăn nuôi tăng 2,86%; miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 1,59%; sản phẩm ngành may mặc tăng 6,67%; các bộ phận của dày dép bằng da tăng 71,43%; bia tăng 30,06%), nhưng sản lượng tồn kho lớn làm tăng chi phí sản xuất. Một số sản phẩm có sản lượng giảm (gạo xay xát, lau bóng giảm 0,15%; thuốc viên các loại giảm 5,86%; cát khai thác giảm 15,91%; thuốc lá có đầu lọc giảm 16,51%). Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 57.681 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Với chủ trương đẩy mạnh phát triển thị trường thương mại nội địa, trong năm qua, ngành công thương tỉnh chủ động thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho DN tỉnh nhà với các nhà bán lẻ lớn và mở rộng tiêu thụ hàng hóa của DN tỉnh nhà trên các kênh thương mại điện tử; thực hiện nhiều chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lớn; phối hợp tổ chức Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử TiKi; hình thành các trung tâm giới thiệu, phân phối đặc sản Đồng Tháp tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; tạo dựng mối quan hệ gắn kết với các nhà phân phối hiện đại như Sài Gòn Co.op, Big C, Vincommerce, MM Mega Market, Bách hóa Xanh góp phần hỗ trợ các DN quảng bá, kết nối tiêu thụ, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2020 ước đạt 99.135 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 1.041 triệu USD (không tính hàng tạm nhập tái xuất), giảm 11,81% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ 2019: Gạo ước đạt 148,5 triệu USD, tăng 19,2%; Sản phẩm may mặc ước đạt 84,37 triệu USD, tăng 35,49%; bánh phồng tôm, bánh kẹo, ngũ cốc đạt 16,28 triệu USD, tăng 8,17%. Riêng thủy sản chế biến xuất khẩu giảm (sản lượng đạt 327.746 tấn, giảm 11,43% so với cùng kỳ; kim ngạch đạt 720,43 triệu USD, giảm 21,96% so với năm 2019).

Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 291,81 triệu USD, bằng 74,96% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xăng dầu ước đạt 107 triệu USD, bằng 50,45% so với cùng kỳ 2019.

Trong năm qua, ngành công thương đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh năm 2020 (đã công nhận 30 sản phẩm đạt sản phẩm CNNTTB); hỗ trợ cho 28 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2019 đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp khu vực năm 2020 (có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp khu vực năm 2020); hỗ trợ cho 3 DN thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia về ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ 0,9 tỷ đồng; hỗ trợ 20 đề án khuyến công địa phương về ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 20 cơ sở công nghiệp nông thôn, với tổng kinh phí ước khoảng 4,106 tỷ đồng; hỗ trợ 3 đề án phát triển ngành cơ khí về ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, với tổng kinh phí ước khoảng 0,9 tỷ đồng.

Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà. Đến ngày 30/11/2020, toàn tỉnh hiện có 2.184 tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất lắp đặt 37,37MWp (cuối năm 2019 có 605 tổ chức, cá nhân với tổng công suất 7,12MWp). Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai dự án thí điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại một số trụ sở cơ quan Nhà nước, làm cơ sở đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 ước đạt 2.536 triệu kWh, tăng 2,95% so với năm 2019. Sản lượng điện tiết kiệm đạt 59 triệu kWh, tăng 21,75% so với năm 2019.

Để hoạt động trong năm 2021 được hiệu quả và đi vào chiều sâu, ngành công thương tỉnh sẽ tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; hỗ trợ DN, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn