Chuyện “hồn” chuyện “vía”

Cập nhật ngày: 24/08/2018 15:50:13

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018082403505024-8 CHUYEN HON CHUYEN VIA.mp3

Ai làm gì mà có vẻ lơ ngơ, lóng ngóng, thì sẽ có người phán liền: “Hổng biết hồn vía của nó đi đâu mất!”. Đi thăm một công trình gì đó, thậm chí là cả một thành phố tuy có hoành tráng nhưng có người nhận xét: “Hình như nó hổng có hồn”; ngược lại, người ta nói: “Nhìn thấy có hồn” quá! Rồi khi ai đó chết đi thì có người sẽ thốt lên: “Hồn đã về trời”. Vậy “cái hồn” hay “hồn vía” là cái gì, là vô hình hay hữu hình, hay từ cái vô hình chuyển hóa thành cái hữu hình?

Vậy mới có “hồn thơ, hồn nhạc, hồn quê...” và Đồng Tháp mình chọn “hồn Sen” làm hình ảnh địa phương. Nhưng hình như không ít người vẫn chưa cảm nhận được “cái hồn” như vậy. Làm việc thì cũng nặng nề giống như bị cấp trên ra lệnh chứ không phải từ sự tự nguyện. Làm việc mà chỉ nghĩ đến thành tích không biết có ai ghi nhận không? Có lợi ích gì cho bản thân không? Làm việc thì “đúc khuôn”, “bổn cũ soạn lại”, sao chép máy móc. Làm như vậy thì sẽ nhàm chán, không có ý tưởng sáng tạo. Mà không sáng tạo thì chắc chắn đâu có “hồn”. Nhiều người làm tất bật, nháo nhào suốt cả ngày, cả đêm mà công việc không trôi. Có người ngồi vào bàn làm việc mà tâm trí để đâu đâu, không hứng thú thì chắc chắn kết quả công việc sẽ không tốt. Làm cho có, làm cho rồi thì đừng mong hiệu quả cao! Ngược lại, có nhiều người “làm mà như chơi” nhưng công việc vẫn trôi chảy, vậy người ta mới nói: “Làm chơi ăn thật”.

Đúng là, mỗi người sẽ có nhiều mối quan hệ chi phối nên đôi lúc thiếu tập trung cho công việc, làm mà đầu óc để đâu đó. Muốn làm việc tốt, phải có hứng thú, có niềm vui. Hứng thú có khi do môi trường chung quanh tác động, người đứng đầu kích hoạt sự hứng thú cho cấp dưới, người này truyền cảm hứng cho người kia. Nhưng có khi mỗi người phải tự tạo hứng thú cho chính mình. Mà muốn có hứng thú thì phải có niềm tin vào chính bản thân mình rằng, mình sẽ làm được, làm sẽ sáng tạo hơn, hôm nay tốt hơn, mới hơn ngày hôm qua. Có nhiều sách vở dạy cho chúng ta cách thức làm việc sao cho không nhàm chán, biết cách tự tạo hứng thú cho bản thân.

Vừa rồi, đi khảo sát, học hỏi mô hình du lịch cộng đồng ở một đô thị miền Trung mới cảm nhận được câu chuyện “làm chơi mà ăn thật”. Trên hành trình trải nghiệm văn hóa của những người ngư dân sông nước, họ hò, họ hát, họ câu, họ chài, họ biểu diễn kỹ năng sử dụng thuyền thúng... Thật huyên náo, thật tự nhiên như cuộc sống thật của người bản xứ. Họ “chơi” hết mình để “hút hồn” khách phương xa. Vậy là, họ tạo hứng thú cho mình và truyền hứng thú đó đến mọi người. Họ làm du lịch như niềm tự hào khi giới thiệu nét văn hóa bản địa. Vậy mới đi vào lòng người...

Ngẫm lại, đây đó hình như chúng ta tự “đóng băng” tư duy của mình lại, làm việc quá cứng nhắc. Tự tạo ra áp lực để làm việc tốt hơn là cần thiết, nhưng nếu quá áp lực thì dễ “đóng băng” các ý tưởng sáng tạo. Muốn làm việc sáng tạo thì cần đến ý tưởng, mà ý tưởng của nhiều bộ óc chắc chắn hơn là một bộ óc. Vì ý tưởng thường xuất phát từ một người nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó cần đến nhiều người, ý tưởng người này “dẫn dắt” ý tưởng người khác. Có nhiều lãnh đạo muốn có giải pháp thực hiện ngay trong cuộc họp nhưng không chú ý rằng, phải cùng nhau tạo ra ý tưởng trước, rồi mới bàn đến giải pháp. Vậy, khơi gợi ý tưởng cho mọi người cùng trao đổi, để làm cho nó hay hơn, hoàn thiện hơn cũng là một kỹ năng của người lãnh đạo.

Như vậy, trước khi bắt tay và làm một công việc gì đó thì phải trả lời được những câu hỏi: Công việc đó là gì? Ở đâu? Khi nào làm? Vì sao phải làm công việc đó? Ai làm những công việc đó? Giá trị của công việc đó là gì? Làm cách nào để mang lại hiệu quả hơn? Đối tượng thụ hưởng cuối cùng là ai?... Trả lời được những câu hỏi đó chính là đang “thổi hồn” vào công việc, thấy được giá trị của công việc, giá trị của bản thân từng người sẽ kết tinh vào công việc ngay cả trước khi nhập cuộc.

“Câu chuyện cái hồn” ngẫm lại rất cần thấm đẫm vào từng người, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang ít nhiều bị “gò bó” trong bộ máy đang bị “đóng băng” nơi này, nơi kia. Chỉ khi tự giải phóng năng lượng đang tiềm ẩn trong sâu thẳm mỗi người, lúc đó, chúng ta mới thấy giá trị của “cái hồn” trong công việc như thế nào.

Và, nối kết những “hồn người” sẽ có những “tổ chức, cơ quan, đơn vị có hồn”, với những “kế hoạch hành động có hồn”, “trường học có hồn” với những “bài giảng có hồn”, “bệnh viện có hồn” với những “thầy thuốc đầy hồn người”. Khi ấy, mới có những “đô thị có hồn”, “làng quê có hồn”... Khi ấy, đời sống xã hội mới đầy ắp sức sống, mới tạo dựng và gìn giữ được hình ảnh địa phương một cách bền vững!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn