Điện mặt trời mái nhà

Giải pháp hữu ích cho việc tiết kiệm năng lượng

Cập nhật ngày: 16/06/2020 05:36:44

ĐTO - Nhằm giảm chi phí tiền điện, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được xem là giải pháp thiết thực khi tận dụng được nguồn năng lượng thiên nhiên... Chính sự ưu việt đó, thời gian qua, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh lựa chọn lắp đặt hệ thống, đưa vào sử dụng ĐMTMN...


Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà mang lại nguồn năng lượng sạch cho người dân sử dụng

Tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà

Theo Công ty Điện lực Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có lợi thế nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh với số giờ nắng trung bình khá cao, khoảng 2.200 - 2.500 giờ/năm. Do đó, tiềm năng phát triển hệ thống ĐMTMN là rất lớn.

Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 876 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN, với tổng công suất hơn 9.500 kWp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng điện phát lên lưới trong đạt khoảng 2,4 triệu kWh. Hiện nay, Chính phủ đã có hướng dẫn để thanh toán cho các khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Cụ thể, từ ngày 1/7/2019 – 31/12/2019, sản lượng điện phát lên lưới được tính là 1.913 đồng/kWh. Từ ngày 1/1/2020 – 31/12/2020 sản lượng điện phát lên lưới sẽ được tính với giá 1.940 đồng/kWh.

Đơn cử, khi khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với công suất khoảng 100kWh. Trong thời gian đó, khách hàng sử dụng hết 20kWh, còn dư 80kWh thì sẽ phát lên lưới điện của điện lực. Phần 80kWh đó sẽ được công tơ 2 chiều của ngành Điện lực ghi nhận. Đến kỳ ghi điện, nhân viên ngành Điện lực sẽ ghi điện phần sản lượng của khách hàng mua của điện lực và phần điện của khách hàng bán cho điện lực. Đồng thời, khách hàng và điện lực xác nhận chỉ số phần bán điện và phía điện lực sẽ trả tiền cho khách hàng.

Theo tính toán của ngành điện lực, mỗi tấm pin năng lượng mặt trời có công suất từ 50Wp - 450Wp. Theo đó, trung bình diện tích mái nhà khoảng 6 – 7m2 có thể lắp đặt với công suất 1kWp. Nhận thấy những điểm ưu việt của việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN, ông Nguyễn Văn Nương - Chủ Cơ sở bột Tư Nương (TP.Sa Đéc) mạnh dạn đầu tư lắp đặt sử dụng hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 6kWp. Hệ thống không chỉ giúp gia đình tiết kiệm chi phí sử dụng điện mà còn truyền tải lên lưới điện khoảng 172kWh điện/tháng. Ông Nương cho biết: “Thời gian qua việc sử dụng điện phục vụ sản xuất bột khá nhiều nên khi Chính phủ có chủ trương khuyến khích sử dụng ĐMTMN, tôi đã nghiên cứu và nhờ đơn vị tư vấn lắp đặt ĐMTMN. Từ đó, mỗi tháng chi phí tiền điện sản xuất và sinh hoạt của gia đình tôi giảm đáng kể. Hơn nữa, khi nguồn điện còn dư có thể bán lại cho ngành điện”.

Tương tự, ông Phan Phước Trí ngụ Phường 1, TP.Cao Lãnh cũng đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN với công suất 5kWp, kinh phí khoảng 110 triệu đồng. Ông Phan Phước Trí chia sẻ: “Trước đây, mỗi tháng chi phí tiền sử dụng điện của gia đình khoảng 1 triệu đồng. Từ khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, mỗi tháng sau khi trừ chi phí sử dụng điện, gia đình còn được ngành điện lực thanh toán lại khoảng 700.000 - 800.000 đồng. Mặt khác, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống”.

Theo ông Dương Phúc Hết – Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương, thời gian qua, các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong đó có lắp đặt hệ thống ĐMTMN thực hiện đúng yêu cầu đặt ra; chất lượng thi công và thiết bị lắp đặt đạt yêu cầu. Qua đó, hệ thống ĐMTMN đã tạo bước tiến mới trong việc ứng dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào sinh hoạt của các hộ gia đình, góp phần tiết kiệm điện, giảm tải nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng cho quốc gia.


Ngành điện lực tỉnh thường xuyên đến kiểm tra, hỗ trợ người dân thực hiện hệ thống điện mặt trời mái nhà

Nhân rộng hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà

Từ đầu năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện và Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTMN giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đối với Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTMN, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và xác định khu vực có khả năng phát triển ĐMTMN phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại các trụ sở cơ quan, công trình thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh với lộ trình phù hợp. Qua đó, đánh giá hiệu quả, làm cơ sở triển khai thực hiện đến năm 2025 và 2030.

Trên tinh thần đó, tỉnh triển khai lựa chọn khoảng 10 cơ quan nhà nước đủ điều kiện thực hiện thí điểm lắp đặt ĐMTMN. Mỗi cơ quan lắp đặt 1 hệ thống ĐMTMN công suất khoảng 10kWp. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp (khách hàng sử dụng điện) đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Khi có nhu cầu lắp đặt, khách hàng liên hệ với Công ty Điện lực Đồng Tháp để được hướng dẫn thủ tục lắp đặt, đấu nối hệ thống ĐMTMN vào lưới điện quốc gia và ký hợp đồng mua bán điện theo quy định...

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương lập Đề án phát triển điện mặt trời kết hợp với trồng cây nông nghiệp. Theo đó, việc thực hiện đang được Sở Công Thương khảo sát các vùng đất trồng cây nông nghiệp có năng suất thấp và các loại đất khác có triển vọng để triển khai.

Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự phát triển tiềm năng của hệ thống ĐMTMN thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương, Công ty Điện lực Đồng Tháp cần có sự xem xét đánh giá lại hiệu quả của các dự án ĐMTMN để có định hướng nhân rộng trong thời gian tới.

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn