Di chúc - “nỗi đau dân nước, nỗi năm châu” vẫn còn đó

Cập nhật ngày: 17/04/2024 10:18:31

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240417102128DT2-1.mp3

 

ĐTO - Những ai có đọc chí ít vài lần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có cảm nhận đầy đủ câu thơ “Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu” trong bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu. Tác giả đã viết bài thơ này ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã lên đường, theo tổ tiên” (6/9/1969). Nhà thơ đã phản ánh nỗi lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước và thế giới mà nhất là phong trào Cộng sản quốc tế. Những “Canh cánh trong lòng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời ấy vẫn đang là điều trăn trở đối với những người có suy nghĩ về thời cuộc hiện nay.

Các thông tin chính thức mà chúng ta được biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu soạn thảo Di chúc từ năm 1965 và hàng năm, Người tu chỉnh nhân dịp sinh nhật của mình. Ý của Người là: “để sẵn mấy lời, phòng khi tôi sẽ gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. Là bản Di chúc được cân nhắc trong nhiều năm và với phong cách viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt ngắn gọn, súc tích về mỗi vấn đề. Người lần lượt nói về Đảng, đoàn viên và thanh niên, Nhân dân lao động, cuộc kháng chiến chống Mỹ, phong trào Cộng sản thế giới và việc riêng. Đối với mỗi chủ thể, Người đưa ra nhận xét bản chất nhất và có các khuyến nghị mà đến nay còn rất mới và “nóng”. Trong đó, một số vấn đề vẫn còn là “nỗi đau”. Chúng ta lần lượt điểm qua những vấn đề lớn được Di chúc đề cập:

- Chủ thể được nói “Trước hết” là Đảng. Người nhận thấy: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Và Người lưu ý phải giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Theo chỉ dẫn của Người, Đảng ta liên tục và kiên trì xây dựng Đảng nên “nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng” như Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã tổng kết. Nhưng, thực trạng: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” dù được ngăn chặn nhưng vẫn chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi.

- Đối với đoàn viên và thanh niên, Người đánh giá “nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Thế nên, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành ngững người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””. Có thể nhận thấy, kể “Từ khi có Đảng lãnh đạo, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh đuổi các thế lực thực dân, phong kiến, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước” và “Thanh niên thực sự đã và đang phát huy được thế mạnh của sức trẻ, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện của mình ở những nơi khó khăn, gian khổ, những việc mới, việc khó, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng chỉ ra: “Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

- Về “Nhân dân lao động”, Người đánh giá: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Với trọng trách của mình, “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Theo lời Người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Cương lĩnh, nghị quyết, Quốc hội xây dựng luật, chính sách, Chính phủ lập các kế hoạch và các tổ chức chính trị - xã hội cổ vũ, tổ chức các tầng lớp nhân dân vượt qua những khó khăn, khủng hoảng giành lấy được những thành tựu to lớn về mọi mặt - “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. GDP bình quân đầu người trên 4.000 USD và đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Tuy vậy, việc “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa” như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã lưu ý.

- Về phong trào Cộng sản thế giới, Người tự hào với sự lớn mạnh của phong trào, nhưng đau lòng “vì sự bất hòa” giữa các đảng anh em. Do đó, Người mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động để “khôi phục lại khối đoàn kết các đảng anh em” với niềm tin “các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Xét một cách khách quan, phong trào Cộng sản nói chung, nhất là Quốc tế III đã tập hợp được các tổ chức cộng sản, các lực lượng tiến bộ đấu tranh cho hòa bình, ngăn chặn sự hủy diệt của chủ nghĩa Phát - xít, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc và tạo được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở các nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà trong đó sự mất đoàn kết của phong trào Cộng sản đã dẫn đến sự sụp đổ Liên bang Xô-Viết và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào. Hiện nay, các tổ chức cộng sản, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn chưa phục hồi.

Trong bài thơ được nói bên trên, nhà thơ Tố Hữu cho rằng: “Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau. Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu. Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ...”. Rất rõ ràng, Người lo tìm con đường giành độc lập và tự do cho dân tộc, lo “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, học hành”, lo việc xây dựng Đảng trường tồn, lo thúc đẩy sự đoàn kết của phong trào cộng sản và lo cho thế giới tiến tới hòa bình. Người “lo cho tất cả, chỉ quên mình” - một người “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”. Nỗi lo, sự tiên liệu ấy đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại của dân tộc và phong trào cộng sản, nhưng là một sự nghiệp lớn nên vẫn còn đó những nỗi lo.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn