Ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành

Cập nhật ngày: 10/05/2021 20:47:33

ĐTO - Ngày 10/5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Đồng Tháp đã tiếp xúc cử tri thị trấn Cái Tàu Hạ và các xã: Phú Hựu, An Khánh, An Phú Thuận, An Nhơn, An Hiệp, Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành để vận động bầu cử.


Ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành

Đơn vị bầu cử số 3 có 5 ứng cử viên gồm: ông Lê Minh Hoan - Bộ  trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp; ông Trần Văn Sáu - Bí thư Huyện ủy Lấp Vò; bà Phạm Thị Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh; bà Nguyễn Thị Hồng Muội - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Châu Thành.

Trình bày chương trình hành động của mình, các ứng cử viên khẳng định quyết tâm nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước và tỉnh Đồng Tháp; tham gia các chương trình giám sát tối cao theo chức năng của Quốc hội và ĐBQH, nhất là các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chính sách tác động trực tiếp đến sinh kế người nông dân. Đồng thời, thường xuyên gắn bó và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà để đưa ra diễn đàn Quốc hội, từ đó đề ra những cơ chế chính sách phù hợp và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển...


Cử tri xã
Phú Hựu kỳ vọng các ứng cử viên khi được trúng cử sẽ thực hiện hiệu quả chương trình hành động của mình

Cử tri trên địa bàn huyện Châu Thành bày tỏ phấn khởi vì những người ứng cử đề ra chương trình hành động phù hợp với nguyện vọng của người dân. Cử tri mong muốn các ứng cử viên khi được bầu làm ĐBQH cần quan tâm các vấn đề như: tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cho người dân để áp dụng vào sản xuất; có chính sách đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông sản; quản lý tốt chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp… để giúp người dân nâng cao thu nhập.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn