Bóng đá Đồng Tháp và công tác đào tạo tuyến trẻ

Cập nhật ngày: 12/11/2014 12:35:59

Nhắc đến Đồng Tháp (ĐT), nhiều người nghĩ đến bóng đá, đến nhiều tuyển thủ là trụ cột của đội tuyển bóng đá nước nhà. Đó không phải kết quả của tiềm lực tài chính mang lại, mà chính là thành công ở công tác đào tạo trẻ.


Bóng đá Đồng Tháp thành công nhờ công tác đào tạo tuyến trẻ

 

ĐT tự hào là địa phương có truyền thống bóng đá hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở phương diện quốc gia, dù không thể sánh ngang với Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng hay Sông Lam Nghệ An về truyền thống, nhưng ĐT chưa bao giờ được đánh giá thấp ở công tác đào tạo tuyến trẻ. Điều quan trọng hơn, chính những cầu thủ “cây nhà lá vườn” đã góp công lớn làm nên truyền thống của bóng đá quê hương. Nếu như thập niên 80, bóng đá phong trào đã sản sinh nhiều thế hệ cầu thủ lừng danh như: Bạch, Chôm, Hảo, Phúc thì thập niên 90, đội chủ sân Cao Lãnh tiếp nhận thế hệ “đàn em” là Trang Văn Thành (Thành trắng), Trịnh Tấn Thành (Thành đen), Công Minh, Quốc Tuấn... xuất sắc không kém. Đây là hai lứa cầu thủ mang về 2 chiếc Vô địch quốc gia (năm 1989, 1996) cho bóng đá tỉnh nhà. Ở tuyến trẻ, U15 ĐT từng 3 lần đăng quang giải quốc gia vào các năm 2007, 2009 và 2014. Trong khi đó, U19 ĐT từng 2 lần vô địch ở các năm 2003 và 2012. Các tuyến khác chưa thể chạm chiếc cúp vàng, nhưng năm nào cũng góp mặt ở vòng chung kết và lọt vào vòng tranh chấp huy chương.

Những năm gần đây, bóng đá ĐT chưa thể thêm một lần đăng quang giải đấu cao nhất quốc gia (V-League) và liên tục lên xuống hạng. Dù vậy, mỗi năm Đồng Tháp đều cho ra lò “vài hảo thủ” phục vụ các đội U23 và tuyển quốc gia. Có thể kể đến Thanh Bình, Tấn Trường, Việt Cường, Quý Sửu hay gần đây là Thanh Hiền, Bửu Ngọc... Bóng đá quốc gia dần chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp (năm 2010), các đội bóng có tiềm năng về tài chính bắt đầu thống trị, trong khi những câu lạc bộ “Nhà nghèo” liên tục lao đao. Phát huy lợi thế sẵn có, ĐT xây dựng đội hình dựa trên bộ khung các tuyển thủ trưởng thành từ lò đào tạo nhà. Cả nước, ngoài Sông Lam Nghệ An, không đội bóng nào thuần chất địa phương hơn ĐT. Dù chưa thể “làm nên chuyện”, nhưng đội chủ sân Cao Lãnh với hơn một nửa đội hình là “gà nhà” cũng từng giành huy chương đồng mùa giải 2010 - 2011 và đứng hạng 5 ở hai mùa giải 2009 - 2010, 2011 - 2012.

Trong cơ chế chuyên nghiệp, đội bóng khó lòng giữ được “sao” khi thiếu tiền. Các cầu thủ dù muốn cống hiến cho quê hương, nhưng vì “cơm áo gạo tiền” cũng buộc phải tìm “bến đỗ mới”. Nhờ công tác “ươm mầm” tốt, nên đội chủ sân Cao Lãnh không khủng hoảng dù hàng năm vẫn phải chia tay ít nhất 4-5 “trụ cột”. Trước đây, tỉnh tổ chức 6 điểm tuyển quân chính ở các huyện, thị cho lứa tuổi 12-13 và 2 điểm cho các cầu thủ nhi đồng ở các trường học để tuyển chọn các em năng khiếu. Nhưng cách làm ấy khá manh mún, chất lượng không cao nên phải thay đổi. Kể từ năm 2011, tỉnh bắt đầu tổ chức giải bóng đá U13 vô địch tỉnh. Ngoài ra, những người làm bóng đá ở ĐT còn cử huấn luyện viên (HLV) đến theo dõi các giải nhi đồng, Hội khỏe Phù Đổng. Nếu phát hiện được cầu thủ trẻ có triển vọng, họ sẽ tiến hành thương lượng với địa phương và gia đình để đưa “cầu thủ nhí” đó về Cao Lãnh đào tạo. “Chính cách làm này giúp tỉnh có thêm nhiều phương án lựa chọn. Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng quan tâm hơn đến bóng đá học đường nên chất lượng cầu thủ cũng được nâng lên” - HLV tuyến trẻ Trang Văn Thành cho biết.

Hiện tại, bóng đá trẻ ĐT được chia thành 3 tuyến là U13, U15 và tuyến trẻ (các cầu thủ từ 16 đến 21 tuổi) để đào tạo. Với gần 80 cầu thủ, ĐT vẫn đảm bảo đủ 5 đội dự các giải trẻ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quy định (U13, U15, U17, U19 và U21). Theo HLV Trang Văn Thành, trong công tác đào tạo, Ban huấn luyện (BHL) chú trọng điểm khởi đầu. Đây là yếu tố quyết định đặt nền móng cho quá trình huấn luyện cầu thủ đến lúc trưởng thành. Ban đầu, các em được học những động tác căn bản trong bóng đá như: chuyền bóng (sệt, tầm thấp, tầm cao) và đỡ bóng (bằng ngực, chân, đùi). Dần dần, các em được tập với giáo án nâng cao và bắt đầu các bài tập di chuyển, phối hợp. Thông qua quá trình đào tạo, HLV sẽ nhìn ra sở trường của từng cầu thủ để có phương án huấn luyện thích hợp. Trong suốt thời gian đào tạo, các thầy luôn tìm cách gieo vào tâm hồn các em lòng đam mê và ý thức tự hào quê hương. Bởi đó là cách hiệu quả nhất để kích thích các em nỗ lực và quyết tâm hơn. Dù khá eo hẹp về kinh phí, nhưng Ban huấn luyện bóng đá trẻ ĐT vẫn cố gắng tạo điều kiện cho các tuyến được thi đấu cọ xát quanh năm nhằm tích lũy kinh nghiệm.

Công tác đào tạo cầu thủ tài năng trẻ là nền tảng có tác động tích cực đến việc phát triển phong trào tập luyện trong thanh thiếu niên, có vai trò quyết định đến sự ổn định về mặt thành tích cho bóng đá đỉnh cao. Gần đây, tình hình khó khăn về tài chính khiến CLB Tập đoàn Cao su ĐT có nguy cơ không tham dự V-League 2015 hoặc nhiều năm nữa. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo tuyến trẻ của bóng đá đất Sen Hồng. Ông Vương Thanh Trung - Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp cho biết: “Công tác đào tạo cầu thủ tài năng trẻ chỉ diễn ra thuận lợi và có hiệu quả khi CLB duy trì được thành tích tại sân chơi V-League, những thế hệ vừa qua như Thanh Bình, Quí Sửu, Việt Cường đến Tấn Trường, Bửu Ngọc, Thanh Hiền... đã phản ánh thực tế đó. Gần đây, nhiều bài học từ các CLB Thể Công, Hà Nội, Nam Định và TP.HCM... cho thấy, khi không còn trụ lại ở hạng đỉnh cao thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào đạo tài năng trẻ. Bởi thế, việc duy trì đội bóng tỉnh nhà tham gia ở sân chơi chuyên nghiệp sẽ là bệ phóng và động lực để giúp các tài năng trẻ xác định mục tiêu và có điều kiện đánh bóng thương hiệu cá nhân, xác định đẳng cấp cầu thủ, nhất là khi được phát hiện, tập trung vào đội tuyển quốc gia”.

Phước Lộc

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn