Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020

Cập nhật ngày: 24/02/2016 12:35:19

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ; khắc phục những hạn chế bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC giai đoạn I (2011-2020); gắn kết công tác CCHC của các bộ, ngành và địa phương; tăng cường trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định trọng tâm là cải cách thể chế; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CCVC), chú trọng cải cách tiền lương nhằm tạo động lực để CB, CCVC thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Theo đó, về cải cách thể chế: tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ CCHC với cải cách lập pháp, tư pháp; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đến năm 2020 hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với chi phí tuân thủ thấp; thể chế hóa nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế về sở hữu, doanh nghiệp nhà nước... Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CCVC, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ CB, CCVC có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, đồng thời đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức; tổ chức thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB, CCVC; tổ chức thực hiện việc đánh giá phân loại CB, CCVC theo quy định gắn với các nội dung khác của công tác quản lý CB, CCVC; áp dụng công nghệ thông tin, các mô hình phương pháp, công nghệ hiện đại trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đánh giá CB, CCVC; tập trung nguồn lực ưu tiên cho cải cách chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; đến năm 2020, tiền lương của CB, CCVC được cải cách cơ bản, đảm bảo được cuộc sống của CB, CCVC và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; ưu tiên các TTHC phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, TTHC trên một số lĩnh vực trọng tâm: đầu tư, đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở, thuế, hải quan, xuất khẩu, nhập khẩu, y tế, tiếp cận điện năng, quản lý thị trường, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế các thành phần kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Tăng cường xây dựng và hoàn thiện các hình thức công khai, minh bạch tất cả TTHC; chú trọng việc công bố TTHC thuộc phạm vi quản lý hoặc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương; công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu Quốc gia và trên mạng thông tin điện tử; niêm yết TTHC tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết TTHC... hướng tới mức hài lòng của người dân doang nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80% vào năm 2020.

Minh Thùy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn