Giải quyết thủ tục hành chính gần dân, sát dân
Cập nhật ngày: 18/05/2025 05:13:30

ĐTO - Xác định người dân là trọng tâm phục vụ trong cải cách hành chính, thời gian qua, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không ngừng nỗ lực xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ, công chức của UBND xã An Phong (huyện Thanh Bình) đến tận nhà dân giải quyết thủ tục hành chính
CÁN BỘ ĐẾN TẬN NHÀ PHỤC VỤ
Thay vì phải vất vả đưa mẹ già đến UBND xã An Phong (huyện Thanh Bình) để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nay bà Lâm Thị Nhà ngụ xã An Phong chỉ cần ở nhà đã có cán bộ, công chức đến tận nơi hướng dẫn tận tình và giải quyết thủ tục nhanh chóng. Không chỉ vậy, sau khi hoàn tất thủ tục, kết quả cũng được công chức mang đến trao tận tay bà. Bà Lâm Thị Nhà chia sẻ: “Trước đây, tôi muốn làm giấy tờ thì phải chở mẹ đến UBND xã, đi lại rất khó khăn, phải mất cả buổi, có khi thiếu giấy tờ phải trở về nhà lấy nên tốn nhiều thời gian. Giờ đây, được cán bộ đến nhà làm thủ tục rất thuận tiện, khỏi phải đi tới đi lui như mấy năm trước”.
Mô hình “Chứng thực chữ ký, điểm chỉ, chứng thực hợp đồng giao dịch tại nhà cho người cao tuổi, người bệnh, khuyết tật” được UBND xã An Phong triển khai từ tháng 2/2025 đã mang lại lợi ích thiết thực cho những đối tượng yếu thế. Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND xã trực tiếp đến nhà người dân để thực hiện các thủ tục chứng thực, giúp người dân không còn phải lo lắng về việc di chuyển khó khăn đến trụ sở UBND xã.
Bà Bùi Thị Xuân Thu - Phó Chủ tịch UBND xã An Phong, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự khó khăn của người cao tuổi, người bệnh trong việc đi lại, vì vậy, UBND xã đã chủ động cử công chức đến tận nhà để hỗ trợ. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo sự hài lòng và tin cậy trong công dân, đồng thời thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã Bình Thành (huyện Thanh Bình) hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính
Tương tự, ông Trần Tấn Phải ngụ xã Bình Thành (huyện Thanh Bình), không khỏi bất ngờ khi đến làm thủ tục trích lục Giấy khai sinh cho cháu. Thay vì phải tự tay viết đơn, điền thông tin vào các biểu mẫu, ông Khải đã được công chức nhiệt tình hỗ trợ hoàn toàn và còn được hướng dẫn thanh toán lệ phí trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi. Ông Trần Tấn Phải bày tỏ: “Lúc trước, tôi đến UBND xã làm giấy tờ là cán bộ đưa cho tờ mẫu tự mình viết. Bây giờ, cán bộ làm hết, mình chỉ việc chờ lấy kết quả. Tôi thấy cách làm này rất hay, người dân đỡ phải ghi tới ghi lui, lại còn sợ ghi sai. Xong việc, không có tiền mặt cũng không sao vì được công chức hướng dẫn thanh toán lệ phí trực tuyến rất thuận tiện”.
Mô hình “3 Không” (không khai báo thông tin nhiều; không dùng tiền mặt thanh toán phí, lệ phí; không tiếp xúc trực tiếp với công chức chuyên môn) đã tạo sự chuyển biến tích cực tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) của UBND xã Bình Thành. Thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được rút ngắn đáng kể, hạn chế tối đa tình trạng sai sót do người dân tự viết đơn. Cùng với đó, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức cũng được nâng cao rõ rệt.
Bà Phan Thị Cẩm Quy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, khẳng định: “Mô hình “3 Không” đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không gây phiền hà, không chậm trễ, không thu phí dịch vụ viết thay, giúp rút ngắn thời gian và xử lý hồ sơ nhanh chóng cho người dân. Đây là chủ trương quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo niềm tin và sự gắn kết giữa chính quyền và cộng đồng”.
XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN THÂN THIỆN
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Cao Lãnh có thêm nhiều mô hình mới được áp dụng, bước đầu đạt hiệu quả như: “Lễ tân hành chính và khảo sát mức độ hài lòng của công dân trong giải quyết TTHC bằng mã QR” của UBND phường Mỹ Phú; “Móc khóa công dân điện tử” và sáng kiến “Truyền thông số” của UBND phường Hòa Thuận; “2 thủ tục không hẹn” trong giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch của UBND Phường 4...

UBND Phường 4 (TP Cao Lãnh) ra mắt mô hình “2 thủ tục không hẹn” giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chình
Điển hình như mô hình “2 thủ tục không hẹn” trong giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch của UBND Phường 4 thực hiện rút ngắn thời gian trong khoảng 30 phút sẽ trả kết quả. Bà Trần Thị Thùy Trang - công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND Phường 4, cho biết: “Khi đại diện hộ kinh doanh, doanh nghiệp và công dân đến yêu cầu thực hiện 1 trong 2 TTHC này tại Bộ phận TN&TKQ được công chức kiểm tra hồ sơ, kết hợp với tra cứu thông tin cần thiết thông qua dữ liệu dân cư, phần mềm quản lý hộ tịch để xác minh thông tin. Sau đó, công chức tiến hành thực hiện quy trình và trình lãnh đạo ký duyệt chuyển trả kết quả cho người dân trong thời gian tối đa 30 phút, không còn tình trạng đợi lâu như trước đây”.
Nhằm xây dựng chính quyền thân thiện với Nhân dân, gắn kết hơn nữa giữa người dân với cán bộ, công chức của địa phương, từ đó UBND Phường 6 (TP Cao Lãnh) vừa ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện”. Theo UBND Phường 6, khi cặp đôi đến tuổi kết hôn theo quy định đến đăng ký kết hôn tại UBND phường được công chức tại Bộ phận TN&TKQ nhận thông tin và hẹn thời gian nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sau đó, chụp ảnh cặp đôi cầm trên tay Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được trang trí đẹp mắt với màu hồng có hình trái tim thể hiện tình yêu đôi lứa, hạnh phúc bền lâu ghép vào móc khóa tặng lại cho cặp đôi chuẩn bị kết hôn làm kỷ niệm. Hình thức này thay cho lễ chúc mừng cặp đôi chuẩn bị kết hôn của chính quyền địa phương.

UBND Phường 6 (TP Cao Lãnh) thực hiện việc trao Giấy chứng nhận kết hôn và tặng móc khóa cho cặp đôi trước khi kết hôn
Sau thời gian tìm hiểu, anh Trần Vũ Luân và chị Tô Thị Tú Trinh đến UBND Phường 6 đăng ký kết hôn. Cả anh và chị rất vui mừng về hình thức chứng nhận kết hôn “độc lạ” của UBND phường. Anh Trần Vũ Luân và chị Tô Thị Tú Trinh, không giấu được niềm vui: “Chúng tôi bất ngờ và rất thích hình thức chứng nhận kết hôn này của UBND phường. Chiếc móc khóa nhỏ xinh này sẽ là một kỷ niệm đẹp trong ngày trọng đại của chúng tôi”. Việc thực hiện mô hình này không chỉ là một sáng kiến mới trong cải cách TTHC của UBND Phường 6, mà còn thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với hôn nhân hợp pháp, sự quan tâm của chính quyền đối với các cặp vợ chồng.
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhiều mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, triển khai và áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hiệu quả và thân thiện.
DƯƠNG ÚT - LÊ ĐA NGA