Đồng Tháp

Triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 26/10/2023 16:03:09

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231026040507DT4-1.mp3

 

ĐTO - Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh...


Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính (Ảnh: Thanh Trúc)

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NTM

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh tập trung 3 lĩnh vực chính: phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM; phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn; xã hội số trong xây dựng NTM. Đồng thời phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM.

Đối với phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đạt kết quả tích cực trong tất cả các lĩnh vực, nhất là chính quyền số và trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục.

Theo đó, việc xây dựng chính quyền điện tử tiếp tục được triển khai, hiện đại hóa quy trình xử lý công việc, thích ứng trong tình hình mới. 100% cơ quan hành chính điều hành giải quyết công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành iDesk, được kết nối, liên thông đến 4 cấp; đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm quản lý tiến độ dự án, hệ thống thông tin ngành thông tin và truyền thông, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, cơ quan nhà nước trong tỉnh tăng cường sự tương tác, kết nối trực tuyến với người dân, doanh nghiệp thông qua mạng internet, mạng xã hội, Tổng đài 1022, ứng dụng e-DongThap kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là khi sử dụng dịch vụ công.

Trong năm 2023, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở (thiết lập mới Đài truyền thanh không dây xã NTM) cho 14 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2023 với kinh phí 4,125 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng Trang thông tin điện tử cho 102 xã NTM để củng cố chỉ tiêu 8.4 xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành thuộc tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông với kinh phí 2,854 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ xã và phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân khu vực nông thôn với khoảng 3.450 người. Tính đến nay, toàn tỉnh có 111/119 xã đạt chuẩn tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông.

Về phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, tỉnh đăng ký với Trung ương thí điểm xây dựng mô hình xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đến năm 2025. Đây là 1 trong 9 mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Hiện, UBND tỉnh giao Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn UBND huyện Cao Lãnh xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình.

Mô hình này nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của xã thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, công cụ thanh toán điện tử để quảng bá sản phẩm và bán hàng trên các mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử... Đồng thời gắn kết thực hiện hiệu quả chuyển số ngành nông nghiệp của tỉnh, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn.

Thực hiện xã hội số trong xây dựng NTM, tỉnh tạo môi trường giáo dục gắn với hoạt động trải nghiệm cho học sinh, triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình STEM ở các cấp học. Đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn, các địa phương thực hiện và nhân rộng mô hình “Camera an ninh” với 2.565 camera; “Zalo Official Account” “Tiếng loa NTM”..., góp phần xây dựng xóm làng yên vui, đảm bảo về trật tự. Chuyển đổi số y tế được tỉnh quan tâm, từng bước mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh thanh toán bảo hiểm cho y tế cơ sở với mục tiêu chung là bao phủ dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng cho toàn dân; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành y tế cơ sở, ứng dụng triển khai các phần mềm liên thông để phục vụ công tác quản lý điều hành thống nhất thông suốt từ tỉnh, huyện, xã.


Mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu “Xoài Cao Lãnh” vươn xa (Ảnh: Mỹ Nhân)

SỐ HÓA DỮ LIỆU

Trên tinh thần từng bước hướng tới NTM thông minh, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu số hóa toàn bộ quy trình, nghiệp vụ nộp hồ sơ, chấm điểm, tự động chấm điểm, xếp hạng, kết xuất dữ liệu; đổi mới phương thức nộp hồ sơ của chủ thể, đánh giá sản phẩm của Hội đồng sang ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh và cung cấp các tính năng cho phép các nhóm người dùng tham gia vào quy trình thực hiện chấm điểm sản phẩm OCOP trên phần mềm một cách thuận tiện, nhanh chóng. Năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và đưa vào hoạt động chính thức “Phần mềm Số hóa OCOP tỉnh Đồng Tháp” (https://ocopdongthap.vn/panel/san-pham-ocop). Đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao (trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 275 sản phẩm đạt 3 sao).

Ngoài ra, chuyển đổi số trong xây dựng NTM giữ vai trò to lớn trong việc số hóa dữ liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động đăng ký, đánh giá thông qua ứng dụng công nghệ số góp phần quản lý, xây dựng và phát triển NTM bền vững. Trên tinh thần đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần RYNAN® Technologies Vietnam xây dựng Phân hệ đánh giá NTM thuộc hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số VDAPES (Vietnam Digital Agriculture Platform Ecosystem), dựa trên nhu cầu thực tế về ứng dụng công nghệ số quản lý quy trình đánh giá NTM. Theo đó, phân hệ cấp quyền tham gia cụ thể đối với chủ thể thực hiện các bước từ đăng ký, đánh giá đến trả kết quả công nhận cuối cùng giúp cho việc thực hiện chương trình NTM diễn ra một cách thuận tiện. Ngoài ra, phân hệ còn giúp cho đơn vị các cấp (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) tham gia vào quá trình lấy ý kiến trong việc xây dựng báo cáo, tổng hợp ý kiến và tạo hồ sơ đề nghị xét duyệt công nhận NTM được dễ dàng.

Phân hệ đánh giá NTM hỗ trợ người dùng thực hiện quy trình đăng ký xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM, huyện NTM nâng cao; quản lý việc đánh giá NTM thông qua nội dung bộ tiêu chí theo quy định của pháp luật; các đơn vị thẩm định, tổng hợp và gửi các hồ sơ trong quá trình đánh giá trực tiếp trên Phân hệ đánh giá NTM thuộc “Nền tảng VDAPES.COM”.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tập huấn tại 12 huyện, thành phố cho hơn 1.000 cán bộ, công chức cấp huyện, xã về kiến thức quy trình báo cáo, nhập, xuất dữ liệu thống kê vào nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Dự kiến trong năm 2023, sẽ đưa vào hoạt động Phân hệ đánh giá NTM chính thức, áp dụng cho các địa phương nộp hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2023.

NGUYỄN HƯNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn