Gặp gỡ 3 thí sinh đạt điểm cao môn Ngữ văn

Cập nhật ngày: 03/07/2013 04:46:41

Thời gian gần đây, một số em học sinh có tâm lý không mặn mà với môn Ngữ văn và cho rằng, trong thời kinh tế thị trường, đầu tư nhiều cho các môn học như: Ngoại ngữ, Tin học và các môn khoa học tự nhiên sẽ có nhiều tương lai hơn.

Tuy nhiên vẫn có nhiều học sinh nhận thức được sự cần thiết của môn Ngữ văn trong hành trang tri thức bước vào đời. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP.Cao Lãnh) có 3 thí sinh xuất sắc đạt 9.5 điểm ở môn Ngữ văn. Chúng tôi gặp gỡ 3 thí sinh này để trao đổi về “bí quyết” học Văn.

Nguyễn Lê Thị Việt Trinh: “Văn học là niềm đam mê của em”

Việt Trinh là học sinh lớp 12TH. Được xem là “thủ lĩnh” Văn, em từng “rinh” các giải thưởng như: 2 giải Nhất và 1 giải Ba học sinh giỏi Văn vòng tỉnh; 1 giải Ba học sinh giỏi Văn quốc gia; 1 huy chương Bạc Olympic Văn 30/4. Với thành tích xuất sắc đó, Việt Trinh được tuyển thẳng vào Trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh.

Tâm sự với chúng tôi, Trinh cho biết, từ nhỏ em rất thích học môn Văn vì em cảm thấy học Văn giúp đời sống tinh thần thêm phong phú và tinh tế hơn, bồi đắp tâm hồn, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Trinh cho biết bí quyết học giỏi văn: “Ngoài việc chú ý nghe thầy cô giảng bài trên lớp, em còn tìm đọc thêm những bài văn hay, đạt điểm cao của các bạn trên internet, trên sách, báo để học hỏi, bổ sung thêm kiến thức. Và, điều quan trọng là phải viết nhiều, đọc nhiều, thường xuyên trao đổi với bạn bè, thầy cô, đồng thời phải biết đối thoại với thầy cô, bởi đôi khi cách cảm nhận của thầy, cô về câu thơ, bài văn nào đó không hợp với cảm nhận của mình thì mình có thể trình bày những suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn chân thực, có như vậy việc học văn mới tiến bộ”.

Cô Dương Thị Xuân Hương - Giáo viên dạy môn Văn nhận xét: “Trinh có tâm hồn bay bổng, có năng khiếu và lòng đam mê văn học. Em học văn rất tốt, em cảm nhận vấn đề một cách nhạy bén và sâu sắc. Đặc biệt Trinh rất siêng viết, những bài viết của em rất chặt chẽ và giàu cảm xúc. Lâu lắm rồi tôi mới có được cô học trò như Trinh, tôi rất hài lòng về em”.

Phạm Võ Hồng Nhật: “Văn học là nhân học”

Hồng Nhật là học sinh lớp 12T, em học lớp chuyên toán, nhưng trong suốt thời gian học từ cấp 2 đến cấp 3 đều là học sinh giỏi môn Ngữ văn. Hồng Nhật cho biết, từ nhỏ mẹ đã cho em học thêm môn Văn và mẹ cũng thường xuyên trao đổi với em những vấn đề liên quan cuộc sống, văn học, bởi mẹ cho rằng “Văn học là nhân học”, học văn không chỉ để viết nên những bài văn hay mà quan trọng là để bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc và những kỹ năng trong cuộc sống.

Mỗi ngày em đều dành khoảng 30 phút để lên internet tìm thêm những dẫn chứng, những tài liệu có liên quan đến bài học, đồng thời xem thêm những video bài giảng của các thầy cô khác để cảm nhận của mình được nhạy bén và phong phú hơn. Em còn tạo cho mình thói quen đọc sách, báo như một cách tiếp nhận và cảm thụ văn học. Ngoài ra, em còn thường xuyên rèn luyện cách viết để nâng cao cách hành văn của mình.

Cô Võ Thị Phượng, giáo viên dạy văn của Hồng Nhật nhận xét: “Hồng Nhật rất thông minh và chăm chỉ, là học sinh lớp chuyên toán nhưng khả năng viết văn của em rất tốt, em luôn có sự sáng tạo trong bài làm, bài viết của em có sự hòa hợp giữa kiến thức và cảm xúc nên rất chặt chẽ và thuyết phục”.

Nguyễn Xuân Lộc: “Ngữ văn cần cho tất cả mọi ngành nghề”

Xuân Lộc học lớp 12AV, tâm sự: “Em rất thích học văn nhưng có lẽ vì không có năng khiếu nên em chỉ học văn thuộc dạng khá. Em rất vui và bất ngờ khi được 9.5 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ước mơ từ nhỏ của em là trở thành một thông dịch viên giỏi, nhưng không vì thế mà em xem nhẹ môn Ngữ văn. Em nghĩ nếu học môn Văn tốt chắc chắn sẽ đem lại cho người học một nhân cách tốt, biết cách viết, diễn đạt trôi chảy và giao tiếp cũng tinh tường hơn. Đó là những yếu tố mà hầu như ngành nghề nào cũng rất cần.”

Để đạt kết quả cao ở môn Văn trong đợt thi vừa qua, Xuân Lộc đã rất chăm chỉ và nỗ lực rất nhiều. Mỗi ngày trước khi vào lớp em đều nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, khi vào lớp chú ý nghe thầy cô giảng bài, đánh dấu những luận điểm, chi tiết quan trọng trong văn bản, đồng thời ghi lại những cảm xúc ban đầu của mình về tác phẩm, tìm kiếm những tư liệu quan đến tác phẩm, thường xuyên trao đổi với bạn bè, trao đổi với thầy cô về những điều mình băn khoăn hoặc chưa hiểu. Đặc biệt em thường xuyên xem báo, đài, đọc sách để mở rộng vốn từ và tạo sự nhạy bén trong việc tiếp nhận và cảm thụ văn học.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn