Nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất

Cập nhật ngày: 31/01/2021 06:06:04

ĐTO - Với định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo theo chiều sâu, Đồng Tháp thực hiện Dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). Điểm nhấn của mô hình chính là có sự góp mặt của cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến, sự đồng hành của các nhà trong chuỗi giá trị ngành hàng...


Phun xịt thuốc bằng thiết bị bay không người lái

Nông nghiệp thời 4.0

Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được Đồng Tháp chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản lượng lúa hàng năm thu được khoảng 3,3 triệu tấn. Trước thách thức của nền kinh tế thị trường, việc sản xuất lúa gạo theo tư duy cũ không còn phù hợp. Trong tương lai, nguồn lao động trong sản xuất lúa không còn được dồi dào do việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực khác. Vì vậy việc thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp kiểu cũ “lấy công làm lời”, sản xuất manh mún dần lạc hậu.

Thay vào đó, thực hiện sản xuất với quy mô lớn, tập trung, vận dụng công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, tiến tới sản xuất gắn liền với công nghiệp chế biến và dịch vụ là xu hướng tất yếu.

Hướng đến sản xuất lúa gạo mang tính bền vững, từ năm 2017, tỉnh triển khai thực hiện Dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 với diện tích 170ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất. Công trình vừa được khánh thành, được xem là mô hình hạt nhân để nhân rộng ra toàn tỉnh trong thời gian tới.

Điểm nhấn của dự án là các công đoạn canh tác lúa đều được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại. Với hệ thống quan trắc đo mực nước từ xa, chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh là bà con ngồi tại nhà có thể thực hiện việc tưới tiêu dễ dàng. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm 40% nước so với canh tác theo kiểu truyền thống. Cũng trên thiết bị smartphone, người dân có thể theo dõi tình trạng sâu bệnh mọi lúc, mọi nơi với hệ thống giám sát sâu rầy thông minh. Với trí tuệ nhân tạo được lắp đặt, hệ thống này nhận dạng các loại sâu rầy gây hại và thông tin số liệu cho người dân qua điện thoại thông minh giúp bà con có phương án xử lí kịp thời hiệu quả.

Đây còn là cánh đồng mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong sản xuất, từ khâu làm đất, làm mạ bằng máy đến máy cấy... Giải quyết bài toán về nhân công lao động, Dự án này còn thực hiện phun xịt thuốc bằng thiết bị bay không người lái. Thời gian phun xịt một công lúa bằng thiết bị này chỉ mất khoảng 10 phút, năng suất cao gấp nhiều lần so với việc phun xịt bằng thủ công. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn là bảo vệ được sức khỏe của người sản xuất trực tiếp.

Trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch đều thực hiện bằng máy nhằm giảm thất thoát. Ngoài máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm tạo nên điểm nhấn trong sau thu hoạch, giúp người dân tận thu phụ phẩm và hạn chế đốt đồng gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, để đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ, đòi hỏi người nông dân tiến hành ghi chép nhật ký sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, bà con được hướng dẫn viết nhật ký trên điện thoại thông minh. Từ đây, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR code trên đồng ruộng để biết được quy trình sản xuất và truy xuất được nguồn gốc lô giống lúa sử dụng...

Theo ông Ngô Phước Dũng – Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Đông 2, thông qua việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, lợi nhuận thu được cao hơn gần 10 triệu đồng/ha. Đặc biệt, dự án còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người sản xuất. Với hướng đi đồng bộ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường nên phần lớn diện tích lúa của HTX được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.


Theo dõi giám sát sâu rầy bằng điện thoại thông minh

Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Kế thừa nền tảng từ mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” được Nhà nước hỗ trợ đầu tư đồng bộ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 tiếp tục tổ chức sản xuất cho các xã viên theo hướng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và liên kết bao tiêu sản phẩm.

Chung tay cùng HTX phát triển ngành hàng thế mạnh của tỉnh, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp tiến hành xây dựng mô hình “Hoàn thiện và nhân rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm” với tổng diện tích 500ha, tại HTX Mỹ Đông 2 (bao gồm 170ha đã được đầu tư từ năm 2017 đến nay). Qua đó, giúp HTX hoàn thiện các khâu tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho thành viên, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo kế hoạch, HTX sẽ được trang bị máy móc, thiết bị cơ giới hóa từ sản xuất đến khâu thu hoạch như máy cày để thực hiện dịch vụ làm đất của HTX, đảm bảo cơ gới hóa 100% diện tích, từng bước áp dụng kỹ thuật cày vùi sâu và phơi đất nhằm gia tăng hiệu quả kinh kế trong sản xuất. Đồng thời đầu tư máy cấy, máy cuộn rơm cho HTX để thực hiện dịch vụ thu gom rơm, ưu tiên phục vụ diện tích cánh đồng lớn 500ha.

Ngoài ra, tiến hành đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và cơ giới hóa đồng bộ, nâng cấp đường giao thông, xây mới cầu giao thông nối liền các tuyến đường phục vụ sản xuất. Đồng thời đào tạo, tập huấn cho lao động sử dụng máy, thiết bị công nghệ; bảo hộ lao động, tư vấn an toàn lao động trong quá trình thực hiện cơ giới hóa; tập huấn cho hộ nông dân về sản xuất theo tiêu chuẩn “1 phải 5 giảm”, SRP, các tiêu chuẩn an toàn...

Hướng đến việc liên kết mang tính bền chặt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh sẽ hỗ trợ HTX thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tư vấn HTX xây dựng hợp đồng liên kết, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường và tiếp cận chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Đồng thời vận động các doanh nghiệp bao tiêu và cung ứng dịch vụ, vật tư đầu vào cho HTX.

Có thời gian dài gắn bó với HTX Mỹ Đông 2, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice xác định, đơn vị sẽ mở rộng đầu tư và đồng hành với bà con nông dân trong việc liên kết tiêu thụ, ứng dụng công nghệ để tạo ra những giống lúa chất lượng. Ông Bùi Quang Sơn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam cho biết, hướng đến hợp tác dài hạn với HTX, Vinarice sẽ đầu tư trình diễn những giống lúa chiến lược, thích ứng với biến đổi khí hậu do Vinarice vừa làm giống vừa sản xuất gạo xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu gạo của địa phương.

GS.TS. Võ Tòng Xuân chia sẻ, ông rất hoan nghênh lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học, doanh nghiệp giúp bà con nông dân tiếp cận với thiết bị sản xuất hiện đại như mô hình tại HTX Mỹ Đông 2. Hầu như các khâu sản xuất lúa đều được cơ giới hóa gần hết. Tính ra, người nông dân chỉ tốn 20 ngày công cho toàn vụ lúa. Bây giờ, bà con sản xuất lúa rất “khỏe”. Hiện nay, mô hình này tương đối hoàn thiện khi có sự tham gia của các nhà, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Theo Giáo sư, với thời gian tiết kiệm được từ sự hỗ trợ của máy móc, Đồng Tháp cần nghiên cứu, khai thác những mô hình mới từ cánh đồng này, giúp người dân tăng thêm thu nhập từ “công việc ngoài đồng án”...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn