Đất Sen hồng đồng lòng làm du lịch

Cập nhật ngày: 14/03/2016 14:27:03

Có thể nói, khi Đề án phát triển du lịch (PTDL) Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 được triển khai, du lịch Đồng Tháp đã tìm ra hướng đi mới. Đó là những nét riêng, nét độc đáo, không có sự trùng lắp mà nói như Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan: “Người Đồng Tháp làm du lịch theo kiểu Đồng Tháp”.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương (người đứng thứ 2 từ bên trái) trong chuyến thăm và làm việc với các điểm tham quan vườn quýt hồng

Những đột phá ấn tượng

Dù có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, vùng đất hiền hòa, mến khách nhưng suốt hàng chục năm kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đồng Tháp vẫn loay hoay trong công tác tổ chức hoạt động du lịch. Bác Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy còn nhớ như in những năm 1990, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân đã rất cao. Thế nhưng, những bước đi của ngành du lịch tỉnh khi ấy khá chậm chạp trong khi các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang đã bắt tay vào làm du lịch khá hiệu quả. Vài năm sau đó, Khu di tích (KDT) Nguyễn Sinh Sắc có sự phát triển, rồi KDT Xẻo Quít mới manh nha làm du lịch. Ngoài ra, còn nhiều điểm di tích khác trên địa bàn tỉnh mà ngành du lịch khi ấy cũng chưa nghĩ đến việc đưa di tích vào hoạt động du lịch.

Những năm 2000, du lịch Đồng Tháp có bước phát triển nhưng bác Nguyễn Đắc Hiền cho rằng, khi ấy du lịch của tỉnh chưa có nét riêng, có rất nhiều điểm tham quan tổ chức các hoạt động “bắt chước” sao cho giống các điểm du lịch ngoài tỉnh. Tuy nhiên, từ khi Đề án PTDL Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 bắt đầu manh nha thì “guồng máy” du lịch tỉnh nhà đã chuyển động, phát triển tốt và mang đậm dấu ấn đặc trưng du lịch Đồng Tháp Mười. Sự chuyển động ấy được thể hiện rõ nét qua công tác chú trọng đào tạo nhân lực nâng cao chất lượng du lịch, đột phá trong khai thác “đặc sản du lịch” địa phương,... Thầy Phan Bửu Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Du lịch Đồng Tháp đang có một bước đi táo bạo, điều dễ nhìn thấy nhất là qua việc dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh nhà trong cách làm du lịch mà không phải tỉnh nào cũng làm được như vậy, điều đó được thể hiện rõ nhất trong Đề án PTDL của tỉnh; qua những hoạt động như Ngày hội du lịch tỉnh, các buổi hội thảo, tọa đàm về du lịch ở Đồng Tháp,...”.

Thông qua diễn đàn một số hội nghị về du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long và hội thảo chuyên đề PTDL ở cấp Trung ương, ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, có nghe nhiều đại biểu phát biểu đánh giá Đồng Tháp có hướng đi táo bạo trong làm du lịch. Điều táo bạo ấy thể hiện trước hết trên khía cạnh tư duy đột phá là tỉnh đã tận dụng thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc để làm du lịch. Điều đó cho phép tỉnh PTDL không thua kém các tỉnh bạn trong khu vực. Táo bạo thứ hai thể hiện ở quan điểm phát triển, đó là lấy văn hóa làm điểm tựa, là giá trị cốt lõi để phát triển, chứ không phải là công trình hiện đại, gắn chặt PTDL với tạo dựng hình ảnh địa phương và tái cơ cấu nông nghiệp. Táo bạo ấy còn thể hiện ở việc không chỉ dừng lại chủ trương chung chung mà là đề ra mục tiêu rất cụ thể với quyết tâm chính trị rất cao, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh thu hút 3,5 triệu lượt khách, đạt doanh thu 900 - 1.000 tỷ đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

“Quả ngọt đầu mùa” từ sự đồng long


Du khách tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim

Chưa bao giờ Đồng Tháp tập trung PTDL một cách mạnh dạn theo hướng đột phá và những người làm du lịch đã có bước chủ động như 2 năm trở lại đây. Mặc dù quýt hồng năm nay bán với giá thấp hơn năm trước nhưng khi chúng tôi có mặt tại 2/4 điểm tham quan vườn quýt hồng Lai Vung vào những ngày đầu tháng 3/2016 lại cảm nhận được niềm vui của những người dân vừa bắt tay vào làm du lịch trên khu vườn của mình. Điểm tham quan vườn quýt hồng của chú Út Tường từ ngày khai trương đến ngày rằm tháng Giêng 2016, tính ra chưa đầy 3 tháng đã thu hút hơn 4.500 lượt khách vào tham quan. Hôm chúng tôi đến vườn quýt hồng dù không phải ngày lễ nhưng vẫn có nhiều khách tham quan. Chị Hồ Thị Thanh ngụ quận 7, TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi thấy cây quýt hồng trên mạng hoài, nhưng giờ mới đi tham quan vườn quýt hồng. Trước đây nghe nói chủ vườn không cho vào tham quan, nhưng giờ thấy chủ vườn làm du lịch cũng chiều khách lắm”.

Chú Út Tường thì vui mừng bộc bạch: “Trước đây nhiều du khách xin vào chụp ảnh nhưng tôi còn ngần ngại vì nghe đồn chụp ảnh, quay phim vườn quýt sẽ chết. Chủ tịch huyện và Bí thư Huyện ủy Lai Vung thường xuyên đến nhà vận động làm du lịch, sau đó các anh thường xuyên đến vườn xem góp ý. Các anh còn vận động đi học cách làm du lịch. Thấy lãnh đạo quan tâm du lịch quá thì mình nghĩ sao mà không mần luôn. Nhờ vậy mà tôi có được như ngày hôm nay. Từ khi sanh ra tới giờ có biết du lịch là gì đâu, giờ mới biết”. Có thể thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với những bà con nông dân làm du lịch trong chuyến công tác tham quan các điểm quýt hồng mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương. Chủ tịch đã ân cần hỏi thăm chủ vườn. Qua trò chuyện cởi mở, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương ghi nhận những đề nghị của chủ vườn và cho biết tỉnh sẽ hỗ trợ hạ tầng giao thông để du khách tiện đi lại, đồng thời góp ý với anh Khanh những việc cần phải làm sớm như: phải có kỹ năng thuyết minh cho khách, do đó anh nên sắp xếp thời gian để nhân viên điểm du lịch đi học lớp kỹ năng do tỉnh sắp tổ chức; hướng dẫn cho khách cách dùng quýt hồng, công dụng của quýt hồng, hướng dẫn khách các tư thế chụp ảnh tại vườn quýt,...

Đầu năm 2015, Đề án PTDL tỉnh được ban hành. Ngay sau đó, ngành du lịch tỉnh đã triển khai quyết liệt. Kết quả là du lịch của tỉnh có sự chuyển biến theo hướng tích cực cả về số lượng và chất lượng. Năm 2015, toàn tỉnh đón được 2,5 triệu lượt khách (tăng 8% so với năm 2014), đạt doanh thu 424 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng du lịch được cải thiện. Hiện tỉnh có 10 doanh nghiệp du lịch, lữ hành, 85 cơ sở lưu trú, 7 khu điểm tham quan du lịch trọng điểm cấp tỉnh; qui mô dịch vụ ngày càng được mở rộng và bổ sung; chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên. Nhiều hộ dân đã xây dựng đưa vào khai thác các chương trình du lịch trải nghiệm theo mùa như: du lịch trải nghiệm Đồng sen Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung, Làng bè Bình Thạnh, vườn xoài, vườn nhãn ở huyện Cao Lãnh, du lịch trải nghiệm mùa nước nổi,...

Hình ảnh du lịch Đồng Tháp được cải thiện đáng kể, đã quảng bá đến đông đảo công chúng, doanh nghiệp và du khách. Trên 300 đơn vị kinh doanh du lịch ngoài tỉnh ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, khu điểm du lịch trong tỉnh để hợp tác, đưa khách. Bước đầu đã có những nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát và lập dự án xin chủ trương đầu tư PTDL tại Đồng Tháp như: Công ty TNHH Thương mại Du lịch TST, Tập đoàn Sao Mai An Giang, Công ty TNHH Hùng Cá,... với những dự án mức vốn đăng ký từ 100 - 1.000 tỷ đồng là những tín hiệu đáng mừng.

Những nét “chấm phá” trên cho chúng ta có niềm tin rằng “PTDL không chỉ là kinh tế mà còn là niềm tự hào quê hương xứ sở” không còn là khẩu hiệu chung chung mà đang đi vào cuộc sống, được doanh nghiệp, nhà đầu tư, cả hệ thống chính trị và nhân dân đón nhận tích cực, đồng tình ủng hộ, đồng thuận thực hiện. Du lịch Đồng Tháp đang phát triển đúng hướng và nhất định sẽ đạt thành tựu lớn hơn trong thời gian tới.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết mặc dù du lịch tỉnh có những thuận lợi nhưng không chỉ có “màu hồng” mà còn nhiều khó khăn, bất cập như: cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch yếu kém; sản phẩm du lịch còn thô sơ, sản phẩm quà lưu niệm chưa phong phú; chất lượng dịch vụ chưa cao, kỹ năng nghề của lao động phục vụ trong ngành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển,... Do đó, sắp tới ngành du lịch tỉnh đặc biệt chú ý nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch, kiến thức làm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách hiện nay; đẩy mạnh xây dựng, quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu du lịch “Đồng Tháp: thuần khiết như hồn sen”; triển khai thực hiện có hiệu quả các định vị chủ đề phát triển từng khu, điểm du lịch; hình thành và khai thác có hiệu quả các tour - tuyến chiến lược; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm đến; đào tạo nguồn nhân lực...

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn