Làng bè Bình Thạnh

Nơi du lịch đậm chất miền sông nước

Cập nhật ngày: 10/08/2015 11:56:44

Hôm qua (ngày 9/8), Khu du lịch (KDL) Làng bè Bình Thạnh tọa lạc tại ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã chính thức đi vào hoạt động. Từ nay, Đồng Tháp đã có KDL trên sông đậm chất hồn quê, sẽ giúp cho cho du khách có những trải nghiệm đầy ấn tượng.


Khách tham quan làng bè Bình Thạnh

Theo tuyến Quốc lộ 30, rồi rẽ vào tuyến tỉnh lộ DT850, đi dọc theo triền sông Tiền thơ mộng (cách bến phà Sa Đéc - Bình Thạnh 500m) sẽ đến KDL Làng bè Bình Thạnh. Thiên nhiên đã ưu ái cho Bình Thạnh với 6km chiều dài sông Tiền và khí hậu quanh năm tương đối mát mẻ. Tận dụng lợi thế này, người dân đã đầu tư để nuôi cá trong lồng bè dọc sông với diện tích nuôi trên 210ha, chủ yếu là cá tra và cá điêu hồng (gần 400 bè và 600 lồng). Riêng KDL Làng bè Bình Thạnh, có quy mô 13 lồng bè phục vụ ăn uống, nghỉ mát, tham quan, khám phá nghề cá.

Có mặt tại KDL Làng bè Bình Thạnh, chúng tôi cảm nhận được không khí tươi vui, náo nức của bà con nuôi cá và cũng là những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm du lịch cộng đồng. Ở nơi hạ lưu sông Tiền này, ngồi trên xuồng cảm giác thanh thản đến lạ, mặt nước chỉ lượn sóng nhẹ, xung quanh là các lồng bè cá lớn nhỏ. Chị Nguyễn Thị Lợi có 8 năm trong nghề nuôi cá điêu hồng bộc bạch: “Tôi có 6 bè cá điêu hồng. Thấy quê mình có làng bè đẹp, người nuôi cá chúng tôi mong muốn giới thiệu làng bè đến du khách gần xa. Làng bè đưa vào phục vụ du lịch ai cũng mừng. Sắp tới, gia đình tôi sẽ sửa sang bè lại cho đẹp và sẽ đi học kỹ năng phục vụ khách du lịch”. Ngoài cá điêu hồng, có bè người dân thả nuôi những con cá chép vàng, cá éc trên chục ký. Hay bè cá của chú Đoàn Văn Thắng có những con cá hô, cá chim trắng, mè vinh,... to, dài trên 1m được chú “nuôi kiểng” để ngắm cho vui chứ không bán, những con cá này một người “bợ” lên không nổi. Chú Thắng cũng là 1 trong 5 chủ bè đưa lồng bè cá vào phục vụ du lịch.

Do vừa đưa vào hoạt động nên KDL Làng bè Bình Thạnh đang từng bước hình thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp với các loại hình dịch vụ dừng chân, trải nghiệm, thư giãn, liên hoan, ẩm thực. Bà Trương Huyền Trang - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cao Lãnh cho biết, đối với dịch vụ trải nghiệm, khách du lịch sẽ tham quan làng bè, khám phá nghề nuôi cá, câu cá, tham quan sông nước sông Tiền, tham gia đờn ca tài tử trên sông, đồng thời KDL sẽ kết nối các hộ dân trên bờ đưa du khách tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề dệt chiếu truyền thống, hợp tác xã thủ công mỹ nghệ. Theo anh Bùi Thanh Phong - Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Làng bè Bình Thạnh, trong quá trình tham quan các bè cá, du khách có thể mua cá đang nuôi trong lồng bè. Đối với khách ở xa, cá sẽ được đóng thùng tạo khí oxy cho cá sống. Đối với nhà hàng trên bè tại KDL sẽ phục vụ du khách từ 8 giờ sáng đến tận tối với các món ẩm thực được làm từ nhiều loài cá nước ngọt trên cồn Bình Thạnh như: cá điêu hồng, cá dứa, cá éc, cá cóc,... Để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, KDL cũng đưa vào hoạt động văn phòng điều hành và quầy lưu niệm tại lối dẫn vào làng bè.

Theo UBND huyện Cao Lãnh, đây chỉ là giai đoạn đầu địa phương khai thác phát triển du lịch làng bè Bình Thạnh. Trong giai đoạn này, địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, kỹ năng giao tiếp, văn hóa phục vụ cho đội ngũ quản lý, người lao động trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra sẽ mở rộng kết nối các địa điểm du lịch vào trục Sa Đéc - Làng bè Bình Thạnh - Khu di tích Xẻo Quít - KDL sinh thái Gáo Giồng - Khu di tích Gò Tháp. Để tạo vẻ mỹ quan cho KDL, chờ các chủ cá thu hoạch xong đợt cá sẽ tổ chức sắp xếp neo đậu lại bè cá.

Du lịch làng bè là loại hình du lịch còn khá mới mẻ đối với Đồng Tháp. Do đó, để Bình Thạnh là điểm tham quan lý tưởng của những du khách thích khám phá, trải nghiệm nơi miệt sông nước đòi hỏi cần có sự liện kết chặt chẽ giữa các hộ dân và những cơ, ngành liên quan. Đồng thời nơi đây phải thật sự là điểm đến an toàn, môi trường sạch sẽ thì mới thu hút đông đảo du khách.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn