Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn

Cập nhật ngày: 27/09/2022 05:13:50

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220927051450dt2-1.mp3

 

ĐTO - Tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động để tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động hội nhập trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân Đất Sen hồng.


Sản phẩm nấm rơm trồng trong nhà kín của chị Lê Hồng Linh (bên phải) ngụ xã Bình Phú (huyện Tân Hồng) được nhiều khách hàng ưa chuộng. 
Ảnh: NGỌC TÂM

Các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả Đề án định hướng chiến lược xuất khẩu hàng hóa chủ lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 1 tỷ USD (không tính xăng dầu tạm nhập, tái xuất), tăng 6,2% so với năm 2020 và tăng 25% so với năm 2017. Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có một số thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại bằng việc bố trí nguồn ngân sách Nhà nước phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu thị trường ngoài nước tại các sự kiện được tổ chức định kỳ hằng năm tại các thị trường như: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được quảng bá tại các hội chợ triển lãm trong, ngoài nước và được người tiêu dùng biết đến.

Tỉnh đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý) đối với 23 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý. Trong đó, nổi bật là thực hiện thành công Dự án “Đăng ký xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài” là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được bảo hộ của tỉnh Đồng Tháp, nhằm giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như: Australia, Nhật Bản, Châu Âu... Song song đó, tỉnh cũng triển khai đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap” cho các nhóm sản phẩm chủ lực nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng, giữ gìn uy tín và nâng cao giá trị thương mại của hàng hóa có nguồn gốc từ tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế. Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh đã nỗ lực tạo lập và duy trì nhiều kênh tiếp nhận thông tin như mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, tiếp nhận kiến nghị qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, mạng xã hội Facebook, Zalo, Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022... để kịp thời lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần xây dựng được mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

Tỉnh triển khai đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, hệ thống cảng sông, cảng quốc tế để vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu trực tiếp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; kiến nghị Chính phủ thống nhất với phía Campuchia chấp thuận vận tải liên vận hành khách và hàng hóa bằng đường bộ giữa 2 nước được qua lại tại Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà - Bontia Chắccrây (Prâyveng, Campuchia). Phối hợp với 2 tỉnh Long An, Tiền Giang hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân được thực hiện đa dạng, với nhiều hình thức phong phú; hệ thống trường cao đẳng trong tỉnh với 2 nghề tiếp cận cấp độ quốc tế, 4 nghề tiếp cận cấp độ khu vực ASEAN, ngoài đào tạo cho lực lượng lao động trong tỉnh, thu hút ngày càng nhiều du học sinh tham gia học tập với hơn 1.000 lưu học sinh đến từ các nước. Từ đó, hệ thống trường nghề đã đào tạo gần 107.000 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2021 đạt 71,72%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51,44%.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn