Tiếp tục phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng

Cập nhật ngày: 05/05/2021 15:57:33

ĐTO - Trong thời gian qua, hệ thống các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh được sắp xếp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 658 cơ sở giáo dục. Trong đó, 189 cơ sở mầm non (11 ngoài công lập), 466 phổ thông (285 trường Tiểu học), 15 trường TH-THCS, 123 trường THCS, 37 trường THPT, 6 trường THCS-THPT); 2 Trung tâm Giáo dục thường xuyên; 1 Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Chất lượng giáo dục toàn diện phát triển ổn định, chất lượng đào tạo mũi nhọn có bước chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia tăng ở tất cả các ngành học, cấp học. Kết quả xóa mù chữ, 100% xã, phường thị trấn và 12/12 huyện, thành phố duy trì chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc.


Chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao

Công tác phân luồng học sinh bước đầu đạt kết quả khả quan; giáo dục khởi nghiệp trong học đường có sự khởi sắc tích cực. Kêu gọi đầu tư xã hội hóa có nhiều tiến triển, đặt nền móng thay đổi tư duy quản lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ giáo dục chất lượng cao, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, đã thu hút gần 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động. Tỉnh đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã đưa hơn 540 học sinh du học theo Chương trình vừa học vừa làm tại các trường đại học ở Đài Loan.

Hệ thống cơ sở dạy nghề được sắp xếp phù hợp với thực tế; đổi mới công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, thực hiện các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, lao động nông thôn với nhiều chính sách hỗ trợ. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức, nội dung chương trình dạy nghề được đổi mới, bổ sung gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; chú trọng ứng dụng công nghệ - thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn ước đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 50%.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nói chung - nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nói riêng - vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các địa bàn, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả của công tác tư vấn hướng nghiệp, học nghề trong học sinh chưa cao. Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả chưa cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề còn thấp; xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở mức độ 2 còn chậm.

Nguồn nhân lực có tác động trực tiếp và lâu dài tới sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Do vậy, tỉnh xác định việc phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ hết sức cấp bách đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó phấn đấu đến năm 2025, hệ thống giáo dục - đào tạo trên địa bàn được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, một số cấp học tiếp cận với trình độ của nền giáo dục tiên tiến. Tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, nhất là công tác kiểm định chất lượng giáo dục, phát huy năng lực người học, coi trọng thực hành, thực tế.

Đồng thời đẩy mạnh giáo dục lối sống, đạo đức, nhân cách, lý tưởng và truyền thống cách mạng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát huy các giá trị chuẩn mực con người và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển sâu, rộng nguồn nhân lực, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục - đào tạo. Mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương...

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn