Nâng cao giá trị sản phẩm từ mô hình cá thát lát rút xương

Cập nhật ngày: 06/08/2018 17:12:47

Trước tình hình thị trường ngày càng khắt khe, sản xuất theo mô hình kinh tế hộ gia đình phải đối mặt với những khó khăn về đầu ra sản phẩm, Cơ sở cá thát lát rút xương Tuấn Cường ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự chuyên chế biến cá thát lát thương phẩm đã tìm hướng đi mới để chủ động thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.


Chế biến cá thát lát rút xương ở cơ sở Tuấn Cường. 
Ảnh: M.THI

Gắn bó với nghề nuôi cá thát lát thương phẩm nhiều năm qua, anh Nguyễn Hữu Tuấn, chủ Cơ sở cá thát lát rút xương Tuấn Cường luôn trăn trở về đầu ra cá thương phẩm do điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên diễn ra. Sau hơn 3 tháng nghiên cứu, anh Tuấn quyết định “ra mắt” thị trường sản phẩm cá thát lát rút xương mang thương hiệu Tuấn Cường. Anh Tuấn cho biết: “Cơ sở Tuấn Cường quyết định khởi nghiệp từ sản phẩm cá thát lát để giải quyết những tồn đọng từ cá thát lát thương phẩm của gia đình và những hộ nuôi xung quanh. Trước đây, người tiêu dùng chỉ quen thuộc với món cá chả, nay với sản phẩm cá thát lát rút xương (lọc xương, giữ nguyên thân cá) mọi người sẽ được thưởng thức món cá thát lát với khẩu vị riêng”.

Anh Tuấn chia sẻ, ban đầu từ nhu cầu khách đến quán ăn của gia đình, anh Tuấn đã chế biến món cá thát lát rút xương phục vụ thực khách. Hiện tại, anh mở rộng cơ sở, thu mua cá thát lát thương phẩm của các hộ nuôi ở địa phương làm nguồn nguyên liệu chính. Sản phẩm cá thát lát sau rút xương vẫn giữ được hương vị của con cá thương phẩm. Người dùng có thể chế biến các món ngon phong phú như: chiên, nướng, hấp...

Sản phẩm cá thát lát rút xương của cơ sở được đóng bao bì, có thể bảo quản ngăn đông trong vòng 12 tháng. Hiện anh Tuấn đã đăng ký và được cấp phép nhãn hiệu sản phẩm. Mỗi tháng cơ sở sản xuất trên 3 tấn thành phẩm để cung ứng ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh miền Đông Nam bộ thông qua những đại lý. Với sản phẩm đóng gói từ 200 - 500 gram/con/gói, mỗi tháng, cơ sở lãi 50 - 60 triệu đồng. Cơ sở của anh Tuấn cũng góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Trước đây, tôi chỉ buôn bán nhỏ ngoài chợ, từ khi có công việc ở cơ sở Tuấn Cường, tôi có nguồn thu nhập ổn định hơn, từ 3 – 4 triệu đồng/tháng”.

Nhờ chuyên tâm đầu tư làm ra sản phẩm chất lượng và sự miệt mài tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, sản phẩm cá thát lát rút xương của cơ sở Tuấn Cường dần tìm được những đối tác nhất định. Chính việc đột phá, không ngại tìm hướng đi mới mà anh Nguyễn Hữu Tuấn đã nâng giá trị sản phẩm cá thát lát lên 2,5 lần, hiện mỗi ký cá rút xương anh bán ra thị trường từ 170 ngàn – 220 ngàn đồng. Phấn khởi hơn, sản phẩm cá thát lát rút xương của cơ sở Tuấn Cường đã được vinh danh là 1 trong 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp năm 2018.

Ông Huỳnh Công Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Đây là mô hình mới của địa phương mà anh Tuấn là người tiên phong thực hiện. Ưu điểm của mô hình này là mang lại hiệu quả kinh tế, chủ động được nguồn cá và tạo ra nhiều sản phẩm từ cá thát lát. Hiện địa phương cũng hỗ trợ cơ sở của anh Tuấn trong khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu...”.

Anh Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm: “Cơ sở Tuấn Cường rất quan tâm việc đầu tư trang thiết bị để tiếp tục nâng cao chất lượng, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm để phục vụ thị trường. Hiện cơ sở cung cấp cho thị trường 4 loại sản phẩm: chả cá thát lát, chả cá sơ chế, cá thát lát tẩm gia vị và cá thát lát rút xương, đặc biệt, sản phẩm mới là cá thát lát rút xương ươm trứng”. Sắp tới, anh Tuấn cũng sẽ mở rộng quy mô và tiến hành nuôi cá thát lát theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để đảm bảo cung ứng thực phẩm sạch cho thị trường.

Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn