“Du học” trên đất mẹ

Cập nhật ngày: 25/11/2013 05:29:41

Đồng Tháp có đường biên giới giáp với Campuchia dài gần 50km, phần lớn biên giới giữa hai nước cách nhau chỉ con sông nên nhiều học sinh là con em của Việt kiều Campuchia qua lại “du học” mỗi ngày.


Đôi bạn “du học sinh” Lê Thị Thanh Thảo và Phạm Thị Thi
tại Trường THCS Thường Thới Hậu A

Nhiều “du học sinh” học giỏi

Năm học 2013-2014, huyện Hồng Ngự có hơn 240 học sinh Việt kiều theo học từ cấp học Mầm non đến cấp THPT, tập trung nhiều ở 3 xã: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B.

So với trước, hiện nay việc “du học” của những học sinh này thuận lợi hơn, nhiều em được chính quyền, nhà trường quan tâm hợp thức hóa nhiều giấy tờ để được học tại Việt Nam. Thầy Nguyễn Thanh Danh - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết: “Đối với các “du học sinh” Việt kiều, Phòng chỉ đạo giáo viên ở các trường không phân biệt đối xử, phải giảng dạy các em giống như học sinh người bản địa. Những em chưa có giấy tờ, khai sinh hợp lệ nhà trường phải quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ”.

Đến xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B - nơi có hơn 200 “du học sinh” đang theo học, vào mùa nước nổi dù điều kiện đi lại khó khăn, đường xá bị chia cắt bởi nước lũ, chủ yếu phải đi bằng xuồng nhưng các em vẫn chăm chỉ đến trường để học tiếng mẹ đẻ.

Mang hai dòng máu Việt Nam-Campuchia (ba là người Campuchia, mẹ người Việt), em Phạm Thị Thi (SN 1997) học lớp 9A3, Trường THCS Thường Thới Hậu A cho biết: “Em rất vui khi ba mẹ cho về Việt Nam học tiếng Việt. Em thấy thầy cô và các bạn người Việt rất vui vẻ, em thích học ở đây”.

Để đến lớp học trong mùa nước nổi, từ Campuchia, Thi được ba mẹ đưa đi bằng xuồng đến Trạm Biên phòng Mỹ Cân, rồi sau đó đi xe gắn máy đến trường. Dù trải qua nhiều trở ngại nhưng nhiều năm học liên tiếp em luôn đạt thành tích học sinh giỏi.

Học cùng lớp với Thi còn có 4 “du học sinh” khác, trong đó có em Lê Thị Thanh Thảo (SN 1999) (ba mẹ đều là người Việt) nhà cách bởi con sông Sở Thượng, nên từ nhỏ Thảo cũng được ba mẹ bơi xuồng đưa sang cho đi học. So với nhiều bạn nhỏ Việt kiều đang sống ở Campuchia, được đi học trên quê hương, được gần gũi với các bạn người Việt là niềm hạnh phúc rất lớn của bản thân, do đó Thanh Thảo luôn phấn đấu trong học tập. Từ lớp 3 đến lớp 8, năm nào Thảo cũng đạt loại giỏi.

Thầy Thầu Châu Quang Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự nhận xét: “Trường có tổng cộng 29 “du học sinh”. Nhìn chung, các em đều ngoan hiền, chăm chỉ học tập và hòa đồng với các học sinh khác trong trường. Có em còn là học sinh xuất sắc của trường trong nhiều năm liền”.

Nhọc nhằn chuyện “du học”

Tuy có nhiều nỗ lực, phấn đấu đạt thành tích tốt trong học tập nhưng chuyện đến lớp của những “du học sinh” Việt kiều còn lắm nhọc nhằn do gặp khó khăn, trở ngại trong việc làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết, nhất là giấy khai sinh. Để tạo điều kiện cho các em được đi học như những học sinh bản địa, Ban giám hiệu các trường phối hợp với cán bộ tư pháp địa phương giúp đỡ các em có giấy tờ cần thiết để nhập học. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong chuyện bám lớp, bám trường của các “du học sinh” Việt kiều là do cuộc sống gia đình quá khó khăn. Gia đình nhiều em không có ruộng đất, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, làm mướn theo mùa vụ, nên vào mùa lũ các em thường phụ giúp cha mẹ đi giăng câu, bắt cá, đến mùa khô thì đi gặt lúa. Cuộc sống “rài đây mai đó” đã khiến không ít “du học sinh” nghỉ học giữa chừng.

Có mặt tại Trường THCS Thường Thới Hậu B - nơi hiện có 41 Việt kiều đang “du học”, là điểm trường có số “du học sinh” nhiều nhất huyện Hồng Ngự mới biết còn nhiều “du học sinh” Việt kiều Campuchia khá e dè với con đường “du học” của mình. Em Nguyễn Văn Có học lớp 8A1 Trường THCS Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự nói: “Mỗi ngày mẹ bơi xuồng đưa em sang Việt Nam đi học. Thấy mẹ cực nên em cũng ráng,... Anh hai của em học đến lớp 11 rồi nghỉ, chị thứ ba học hết lớp 9 cũng vậy, rồi anh kế của em cũng học hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng... Không biết mẹ có cho em đi học lên tiếp không nữa”.

Vì gia đình khó khăn, nhiều học sinh Việt kiều phải nghỉ học, điều đó đã ảnh hưởng khá lớn đến việc duy trì sĩ số học sinh của nhiều trường học ở biên giới.

Thầy Châu Quang Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thường Thới Hậu A chia sẻ: “Những học sinh Việt kiều mỗi ngày về Việt Nam đi học đó là sự nỗ lực lớn đối với bản thân và gia đình các em. Nhiều em nghỉ học nhưng Ban Giám hiệu nhà trường không thể qua nước bạn vận động các em trở lại lớp. Em nào nghỉ học, bằng tình cảm của mình giáo viên đi vận động bà con hoặc người thân của các em ở Việt Nam để kêu gọi các em trở lại trường, nếu không được thì đành chịu”.

Năm học 2013-2014, toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 400 “du học sinh” Việt kiều Campuchia sang “du học” từ cấp học Mầm non đến cấp THPT, tập trung chủ yếu ở các huyện biên giới Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. Thầy Nguyễn Thanh Danh - Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết, để các “du học sinh” Việt kiều không bỏ học giữa chừng, Ban Giám hiệu trường học ở những nơi các em theo học luôn quan tâm vận động phụ huynh học sinh và các mạnh thường quân hỗ trợ về kinh phí, học bổng, đồ dùng học tập cho các em, nhưng việc hỗ trợ này vẫn chưa đạt nhiều kết quả, số “du học sinh” nghỉ học hằng năm vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể.

“Các “du học sinh” Việt kiều sang học trên địa bàn huyện chủ yếu là học đến cấp 1, cấp 2 cho biết chữ Việt chứ rất ít em học lên hết cấp 3. Những trường hợp nghỉ học, các trường rất khó khăn trong việc vận động các em trở lại lớp”, thầy Danh cho biết thêm.

Với mong muốn tiếp cận được nền giáo dục trên quê hương ruột thịt, nhiều Việt kiều cố gắng cho con em về Việt Nam “du học” để các em có tri thức và văn hóa của ông bà, tổ tiên mình. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đối với các “du học sinh” mỗi ngày được đến trường học ở Việt Nam đó là niềm vui và hạnh phúc nên các em luôn phấn đấu trong học tập. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều biện pháp quan tâm, hỗ trợ các “du học sinh” để các em an tâm học tập.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn