Cần xem xét đặt lại tên trường Phan Văn Bảy

Cập nhật ngày: 07/08/2013 06:02:34

Mấy năm qua, người dân huyện Lai Vung rất tự hào vì địa phương có ngôi trường THPT mang tên Phan Văn Bảy - Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, người chiến sĩ cộng sản trung kiên và là người con ưu tú đất Lai Vung. Nhưng vừa qua để thuận lợi cho công tác quản lý, Trường THPT Phan Văn Bảy được sáp nhập vào Trường THPT Lai Vung 1.


Bà Phan Thị Minh Nguyệt, cháu của đồng chí
Phan Văn Bảy và bức ảnh của ông

Đồng chí Phan Văn Bảy (Bảy Cùi), (SN 1910) tại làng Tân Dương, tổng An Phong, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Lúc nhỏ, Phan Văn Bảy học trường xã, rất thông minh và chăm học. Năm 1926, đồng chí trúng tuyển hạng nhất vào Trường Trung học Cần Thơ và được cấp học bổng. Trong quá trình học tại trường, đồng chí rất tích cực tham gia các cuộc đấu tranh của học sinh, đến năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (HVNCMTN). Do lãnh đạo một cuộc mít-tinh lớn của trường chống sự đàn áp học sinh và ăn bớt tiền ăn của học sinh nội trú... nên năm 1928, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi ra khỏi trường, không cho học bất cứ trường nào và bắt gia đình phải bồi thường chi phí học tập.

Trở về quê hương, Phan Văn Bảy tích cực tuyên truyền vận động cách mạng và thành lập một Chi bộ HVNCMTN cuối năm 1929 (sau được chuyển thành Chi bộ của An Nam Cộng sản Đảng). Sau khi thống nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ Tân Dương dưới sự lãnh đạo của đồng chí, đã hoạt động lan sang nhiều địa phương khác của tỉnh Sa Đéc.

Tháng 5/1930, nhân dịp Chủ tỉnh Sa Đéc tên Esquivillon đến Tân Dương, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo hơn 700 nông dân Tân Dương và vùng lân cận biểu tình, đấu tranh chống thuế, đòi thả những người bị bắt,... buộc Chủ tỉnh phải hứa giải quyết yêu sách. Từ sự việc trên, năm 1931 đồng chí bị địch bắt, đày đi Côn Đảo. Tuy bị tù đày và bị cực hình nhưng đồng chí Phan Văn Bảy vẫn giữ vững ý chí, khí tiết.

Năm 1936, mãn hạn tù và bị cấm không cho về Sa Đéc cư trú, đồng chí về sống ở Cần Thơ. Tại đây, đồng chí đã tham gia lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng tại Cần Thơ trong cao trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Về sau, đồng chí được cử vào Ban Liên tỉnh miền Tây. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), đồng chí được cử làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ kiêm Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Ngày 5/6/1941, đồng chí Phan Văn Bảy cùng một số đồng chí trong Liên Tỉnh ủy, Xứ ủy bị địch bắt, đến ngày 22/7/1942 thì đồng chí hy sinh tại Hóc Môn.


Tên trường THPT Phan Văn Bảy sẽ không còn khi sáp nhập

Nhằm giáo dục tinh thần hiếu học và tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, năm 2007 huyện Lai Vung quyết định chọn tên Phan Văn Bảy để đặt tên Trường THPT Phan Văn Bảy. Đó là niềm tự hào cho người thân, gia đình và quê hương Tân Dương. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc học tập của con em nhân dân trong huyện và hệ thống các tên gọi các trường THPT trên địa bàn, trường THPT Phan Văn Bảy đã được sáp nhập vào Trường THPT Lai Vung 1. Thay vì giữ tên Phan Văn Bảy theo xu hướng lấy tên của các danh nhân hay anh hùng đặt tên trường học, đặt tên đường, trường mới có tên là THPT Lai Vung 1 làm cho nhiều người bất ngờ, trong đó có gia đình đồng chí Phan Văn Bảy.

Bà Phan Thị Minh Nguyệt (69 tuổi) ở ấp Tân Lập A, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, cháu gái gọi đồng chí Phan Văn Bảy là chú ruột và phụ trách thờ cúng ông nói: “Chú tôi có nhiều công lao cho cách mạng, được địa phương chọn đặt tên cho ngôi trường trung học, gia đình thấy rất tự hào. Khi hay tin không còn trường học mang tên Phan Văn Bảy nữa, gia đình hụt hẫng và buồn lắm”.

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp cho biết: “Việc lấy tên Trường THPT Lai Vung 1 đặt cho trường mới khi sáp nhập giữa Trường THPT Phan Văn Bảy và Trường THPT Lai Vung nhằm dễ dàng cho công tác quản lý. Tôi sẽ báo lại với Ban lãnh đạo sở để đến gặp gỡ gia đình. Hướng tới, khi có thành lập ngôi trường mới sẽ xem xét đặt tên Phan Văn Bảy”.

Được biết, đồng chí Phan Văn Bảy sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Người anh kế của đồng chí là ông Phan Văn Thà - nguyên là Phó trưởng Ty Giáo dục tỉnh Đồng Tháp; đồng chí Phan Văn Thâu (em trai của đồng chí Phan Văn Bảy), nguyên là Vụ trưởng của Bộ Tài chính trong chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, còn người em út Phan Thị Thiền của đồng chí cũng được phong tặng “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” vào năm 1994, bà cũng tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi.

Thiết nghĩ, khi đã sử dụng tên người có nhiều công trạng để đặt tên cho công trình xã hội nào đó, tên đó đã được các cấp xét duyệt và thẩm định kỹ càng. Khi công trình mang tên gọi đó muốn xóa bỏ cũng phải được xem xét thận trọng. Mong rằng các ngành chức năng sớm xem xét lấy lại tên Trường THPT Phan Văn Bảy.

PT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn