Chung tay chăm lo cho học sinh khuyết tật

Cập nhật ngày: 18/04/2014 06:24:28

Hơn 20 năm thành lập, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong hoạt động giảng dạy. Với sự dìu dắt tận tình của đội ngũ cán bộ, giáo viên đầy nhiệt huyết, nơi đây đã có nhiều thế hệ học sinh khuyết tật sau khi ra trường đã hòa nhập tốt với cộng đồng.


Dạy nghề cho HS khuyết tật

Hằng năm, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp đón nhận 150 - 180 học sinh (HS) ở 3 dạng tật gồm: khiếm thính, khuyết tật trí tuệ và khuyết tật vận động (bậc mầm non, tiểu học và THCS).

Dạy HS bình thường vốn đã vất vả nên dạy HS khuyết tật các thầy cô giáo phải vất vả hơn nhiều. Song bằng tấm lòng yêu thương, các thế hệ thầy cô giáo nơi mái trường chuyên biệt này luôn nỗ lực hết mình để giúp các em tiếp thu một cách tốt nhất. Với những trẻ khuyết tật, giáo viên vừa là người dạy chữ, vừa là người cha, người mẹ thứ hai. Tình cảm dành cho những đứa học trò kém may mắn ấy, chính là niềm vui và là động lực để họ gắn bó hơn với nghề.

Cô Phan Thị Mai Trâm - giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp chia sẻ: “Mặc dù trẻ khuyết tật học rất chậm nhưng tôi nghĩ mình kiên trì sẽ giúp bé tiến bộ mặt nào đó. Do đó, đối với những bé khả năng tiếp thu được thì mình sẽ dạy văn hóa. Còn những bé tiếp thu không được thì mình dạy kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và kỹ năng tự phục vụ để khi ra trường, ít nhất là các bé không là gánh nặng cho gia đình. Khi học hết lớp 9, HS có nhu cầu học nghề thì nhà trường sẽ liên hệ giúp các em”.

Thời gian qua, ngoài việc dạy học văn hóa, nhà trường còn được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm, ưu tiên kinh phí mở nhiều lớp dạy nghề cho HS gắn với nhu cầu thực tế ở địa phương như: may, đan thảm lau chân, điêu khắc gỗ, dệt chiếu, kết hạt cườm,... Ngoài sự quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các cấp, các ngành, các hội đoàn thể, nhà hảo tâm, mạnh thường quân, nhà trường còn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội trong việc tạo điều kiện cho các em tham gia học nghề để sau này tự nuôi sống bản thân.

Trong 7 năm qua, Cơ sở Út Điện Cơ trên địa bàn TP.Sa Đéc trở thành địa chỉ nhân đạo của nhà trường trong việc nhận các HS khuyết tật vào học nghề và làm việc trực tiếp tại cơ sở. Ông Kim Hà Út - Chủ cơ sở nói: “Với những em khuyết tật tôi có những ưu ái riêng, cố gắng hướng dẫn. Lương của các em khuyết tật tô trả bằng với những người bình thường. Nếu Trường Khuyết tật tuyển chọn được em nào ngoan hiền giới thiệu thì tôi sẵn sàng nhận để tạo điều kiện cho các em có cái nghề để nuôi bản thân”.

Hiện nay, những HS khuyết tật được ông Kim Hà Út nhận làm việc tại cơ sở đều có mức thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/tháng và đều đã xây dựng được mái ấm riêng cho mình, không còn phải phụ thuộc vào gia đình.

Trãi qua hơn 20 năm, dưới sự sự dìu dắt, bảo bọc của đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết, nhiều thế hệ HS khuyết tật hòa nhập tốt với cộng đồng. Tuy nhiên, theo Ban Giám hiệu nhà trường, chỉ có số ít HS tìm được việc làm phù hợp với một số nghề như cắt tóc, sửa xe, cơ khí... Chính vì thế, mục tiêu mà nhà trường đang hướng đến là tạo mọi điều kiện để HS có cơ hội tham gia học tập và làm việc để tự kiếm sống bằng chính đôi tay của mình.

Thầy Nguyễn Tấn Cảnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong những năm qua, Trường duy trì dạy học văn hóa buổi sáng, buổi chiều thì các em học nghề. Về lâu dài, cần có một khoản kinh phí nhất định để xây dựng một nhà xưởng giúp các em học nghề thành thạo. Nhà trường sẽ nhận sản phẩm về cho các em làm”.

Có thể thấy, tuy việc dạy nghề cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, song nếu được quan tâm giúp đỡ bằng vật chất cũng như tinh thần nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng thì họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác.

Đông Xuân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn