Chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo bậc học mầm non

Cập nhật ngày: 15/07/2013 05:21:02

Năm học 2012-2013, bậc học mẫu giáo, mầm non (MG,MN) có bước chuyển biến về chất lượng giảng dạy; chất lượng chăm sóc, giáo dục, nhiều phòng học, điểm trường được sửa chữa, xây dựng mới.


Năm học 2012-2013 bậc học mầm non được quan tâm, đầu tư

Về quy mô phát triển giáo dục MN, số lượng trường tăng hơn năm học trước. Toàn tỉnh hiện có 184 trường, tăng 2 trường. Năm học 2012-2013, có 62 phòng học được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 16 nhà bếp, 131 nhà vệ sinh được cải tạo, sửa chữa. Số nhóm lớp tăng 135 nhóm, lớp (nâng tổng số nhóm lớp hiện tại là 2.432 lớp), số trẻ vào MG tăng 2.896 trẻ, MG,MN 5 tuổi, tăng 944 trẻ; nâng tổng số trẻ đang học tại 184 trường là 65.419 trẻ. Toàn tỉnh có 34 xã, phường đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi, tăng 27 xã so với năm trước. Số trẻ MG 5 tuổi được học 2 buổi/ngày chiếm hơn 50%, trẻ từ 3 - 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa 7.252 trẻ với nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ gần 8 tỷ đồng.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong năm được các trường MN thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhất là trẻ ở các cơ sở giáo dục MN, các cơ sở MN tư thục. Năm học 2012-2013, không có trường hợp trẻ bị tai nạn, thất lạc, ngộ độc thực phẩm xảy ra ở cơ sở giáo dục MN. Các trường MG,MN thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị, thành phố khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh (tay chân miệng) cho cán bộ quản lý, nhân viên y tế học đường, các giáo viên trực tiếp chăm sóc trẻ, thực hiện mô hình “Giáo dục trẻ rửa tay bằng xà phòng”.

Hiện toàn tỉnh có 61.867 trẻ được tổ chức ăn trưa tại trường, nhờ vậy tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 3,3%, MG giảm 2,3% so với năm học trước. Các điểm trường cũng đã phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ, chăm sóc trẻ đến các bậc phụ huynh với các hình thức: tuyên truyền trên bảng tin, họp lớp, họp nhóm sinh hoạt chuyên đề, thăm phụ huynh tại gia đình... Sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo viên các trường, phụ huynh đã phát huy được các hoạt động xã hội hóa do phụ huynh đóng góp, trong năm phụ huynh học sinh, các đơn vị đã đóng góp hơn 12 tỷ đồng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được các trường chủ động thực hiện vận dụng tốt cho công tác dạy và học. Có 183 trường/184 trường có kết nối Internet, tăng 9 trường so với năm học trước, với 773 máy vi tính, tăng 135 máy, tổng số cán bộ, giáo viên biết sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin 3.408 người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại giúp giáo viên năng động, tự tin hơn trong công tác giảng dạy. Các trường MN còn thực hiện rà soát trẻ trong địa bàn để huy động trẻ khuyết tật vào các lớp hòa nhập cộng đồng. Qua khảo sát có 63/179 trẻ khuyết tật đến trường MG,MN tham gia học tập.

Công tác quản lý các trường MG,MN được Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện thường xuyên; theo đó, các nhóm trẻ cộng đồng sẽ do các trường MG,MN quản lý, hỗ trợ chuyên môn giảng dạy. Đối với các nhóm trẻ tư thục, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở không có giấy phép, không đảm bảo an toàn cho trẻ.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn