Đổi mới căn bản, toàn diện để có nền giáo dục thực chất

Cập nhật ngày: 26/12/2013 05:28:25

Con người là yếu tố quyết định trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại.

Một niềm kỳ vọng lớn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà được ghi nhận khi tháng 11 vừa qua, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khoá XI đã ra Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá- hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngành giáo dục sẽ làm gì để huy động mọi nguồn lực của xã hội tạo nên những chuyển biến mang tính quyết định, đưa giáo dục Việt Nam vượt qua thử thách, tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại? Phóng viên phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về vấn đề này.

PV: Bộ trưởng có thể cho biết, vấn đề mà ông tâm đắc nhất trong năm qua là gì?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều tâm đắc nhất trong năm 2013 đối với cá nhân tôi là việc Trung ương Đảng thảo luận ra Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và những kết quả mà cả xã hội, trong đó có lực lượng các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước đã tham gia góp ý, đánh giá, hiến kế để chấn hưng nền giáo dục.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, đã làm, đã có kết quả và cũng đã nhận được sự đánh giá không chỉ của nhân dân trong nước mà cả của quốc tế nữa.

PV: Đến thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo đã có những hoạt động cụ thể nào để triển khai đề án thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thủ tướng đã giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan khác xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết. Chương trình này chúng tôi đang khẩn trương triển khai.

Về phía Bộ, chúng tôi phải xây dựng một Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau 2015 để trình Thủ tướng phê duyệt. Việc này, chúng tôi đã làm. Hiện nay đang xin ý kiến các chuyên gia lần cuối cùng để hoàn thiện và sẽ gửi lên Chính phủ sớm.

Chúng tôi phải xây dựng một đề án hành động của ngành và của Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện Nghị quyết, bao gồm rất nhiều lĩnh vực, trong đó có đổi mới ở bậc phổ thông, đổi mới ở khu vực đào tạo đại học, cao đẳng; có vấn đề chương trình, nội dung sách giáo khoa; có vấn đề phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra đánh giá; tổ chức và quản lý đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên; vấn đề cơ chế tổ chức, cơ chế tài chính và rất nhiều lĩnh vực khác.

PV: Đổi mới là nhu cầu bức thiết để chúng ta thay đổi một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục. Bộ trưởng có thể cho biết, chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Sẽ bắt đầu từ con người, từ nhận thức, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, từ cả học sinh nữa, nhưng chúng ta sẽ phải bắt đầu từ giáo viên trước. Các yếu tố khác là quan trọng, nhưng con người là yếu tố quyết định.

Tôi muốn nói đến hai việc. Một là thiết kế xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sẽ phải tăng tốc và sau đấy triển khai thí điểm. Hai là cấu trúc, cơ cấu lại các cơ sở đào tạo giáo viên.

Chúng tôi đã có lựa chọn, lấy 6 trường sư phạm lớn nhất làm đầu tàu, động lực để triển khai việc này.

Trên thực tế, chúng tôi đã triển khai rất nhiều thực nghiệm, yếu tố đổi mới, cả về nội dung, đặc biệt về phương pháp dạy và học, thi, kiểm tra đánh giá đối với học sinh phổ thông. Việc này vẫn đang được tiếp tục triển khai.

Gần đây chúng tôi đã bắt đầu chỉ đạo hệ thống các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên vào cuộc mạnh mẽ. Việc tổ chức nghiên cứu để đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa và lấy đó làm mục tiêu để thiết kế việc đổi mới chương trình đào tạo giáo viên.

PV: Việc đổi mới bắt đầu từ con người, và giáo viên là yếu tố quyết định. Vậy đâu là những ưu tiên mà ngành sẽ thực hiện trong năm tới?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đối với đào tạo giáo viên có mấy hướng ưu tiên. Nếu nói giữa đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ với đại học, chúng tôi sẽ chú trọng đào tạo đại học. Giữa đào tạo chính quy và phi chính quy, chúng tôi chú trọng đào tạo chính quy. Giữa đào tạo mới và đào tạo lại, ưu tiên chú trọng đào tạo lại. Giữa đào tạo và bồi dưỡng, sẽ chú trọng bồi dưỡng.

Chúng tôi sẽ bắt đầu làm ở những trường trọng điểm, gồm 6 trường rồi sẽ lan sang các trường khác. Đồng thời với việc này, chúng tôi sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường, các cơ sở đào tạo sư phạm trên phạm vi cả nước. Ở đây sẽ có sự cấu trúc lại các mô hình đào tạo, cấu trúc lại tổ chức của các nhà trường, thay đổi chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và học./.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Minh Hường/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn