Trường Đại học Đồng Tháp

Đổi mới công tác tư vấn sinh viên

Cập nhật ngày: 11/12/2013 05:46:53

Tư vấn sinh viên (SV) là phương pháp tác động mang tính định hướng giáo dục tới người học đang gặp những vướng mắc trong học tập, sinh hoạt, tìm kiếm việc làm; những bức xúc của tâm lý lứa tuổi cần được giải đáp, cần được người am hiểu và có trách nhiệm trợ giúp; tham vấn để chọn được cách xử lý đúng, giúp người học thực hiện được nguyện vọng của mình. Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp quyết tâm đổi mới công tác tư vấn SV góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội.


Chuyên viên tư vấn hướng dẫn sinh viên làm các biểu mẫu đơn theo yêu cầu

Nhà trường đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động tư vấn SV và thành lập Ban tư vấn SV của trường theo hướng đổi mới tích cực. Văn phòng Thường trực Ban Tư vấn được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật hiện đại, thực hiện 5 chức năng quan trọng: hỗ trợ giải quyết đơn và yêu cầu chính đáng của SV theo hình thức “một cửa”, hoạt động tư vấn, hoạt động tham vấn, dịch vụ thông tin và báo chí, tổ chức các chuyên đề.

Đối với công tác hỗ trợ giải quyết đơn và yêu cầu chính đáng của SV theo hình thức “một cửa”, SV khi muốn làm các loại đơn (xác nhận là SV, vay vốn tín dụng, nhận bảng điểm, bảo lưu kết quả, chuyển trường,...) chỉ cần viết phiếu yêu cầu sẽ được hướng dẫn chi tiết, cung cấp mẫu và hẹn ngày nhận kết quả. Ban Tư vấn thực hiện tư vấn tại chỗ hoặc tư vấn bởi chuyên gia (khi có yêu cầu) về nhiều lĩnh vực: lựa chọn nghề và tuyển sinh, pháp luật và văn bản pháp quy, quy chế đào tạo, chế độ chính sách dành cho SV, quá trình học tập và rèn luyện, đời sống và sinh hoạt của SV...

Người học được lựa chọn Tham vấn viên (bao gồm những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, có danh sách cụ thể được niêm yết công khai) để được tham vấn về: những khó khăn trong học tập và thảo luận các phương hướng giải quyết vấn đề; tâm lý lứa tuổi, tình yêu, hôn nhân và gia đình; kiểm tra các biểu hiện liên quan đến sức khỏe thông qua các thang đo chuẩn quốc tế; kỹ năng sống; hỗ trợ thay đổi hành vi lệch chuẩn; các vấn đề về nghiện, chất gây nghiện, HIV/AIDS; những vấn đề tâm lý SV khuyết tật thường gặp và các vấn đề khác trong đời sống SV.

Văn phòng Thường trực Ban Tư vấn cũng là địa chỉ hấp dẫn để SV có thể đọc sách, báo, tạp chí, truy cập thông tin, tài nguyên Internet với các máy tính kết nối mạng. Ban Tư vấn còn thực hiện vai trò “tư vấn chủ động” qua việc tổ chức các chuyên đề thiết thực theo chủ đề hữu ích dành cho người học. Hình thức tư vấn rất linh hoạt và đa dạng: tư vấn tại văn phòng, qua điện thoại, e-mail, facebook,... để người được tư vấn chọn.

Nhìn nét mặt hớn hở và tươi cười của các bạn SV vừa được tư vấn, ThS Vũ Văn Đức - Phó trưởng Phòng Đào tạo, kiêm Trưởng Ban Tư vấn chia sẻ: Đây là mô hình mới, mang tính đột phá, với mục đích và mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho SV. Thường trực Ban Tư vấn cùng với đội ngũ chuyên gia tham vấn và lực lượng tình nguyện viên nhiệt tình, giàu kinh nghiệm (là những SV năm II, III, IV), chắc chắn sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn mà SV đang gặp phải nhưng ngại và chưa biết chia sẻ với ai. Khi khó khăn được giải quyết, tâm lý sẽ thoải mái hơn và các bạn sẽ học tập, nghiên cứu tốt hơn, tự tin khi tốt nghiệp ra trường.

Nguyễn Văn Nghiêm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn