Hiệu quả từ chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học

Cập nhật ngày: 20/06/2012 09:20:24

Đồng Tháp là một trong 36 tỉnh, thành được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (ĐBCLGDTH) thực hiện từ năm 2010. Đây là chương trình (CT) có tổng vốn đầu tư khoảng 186 triệu USD gồm vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng của Chính phủ. Mục tiêu của CT nhằm cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, nâng cao kết quả học tập của học sinh (HS), hỗ trợ các trường Tiểu học chuyển sang dạy học cả ngày, nâng cao hiệu quả dạy học...


Trường TH Trần Thị Bích Dung (huyện Tháp Mười), một trong các đơn vị
được thực hiện CT ĐBCLGDTH

Để khởi động CT, UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT đã ký biên bản thỏa thuận thực hiện từ năm 2010 - 2015 với các nội dung như: dạy theo mô hình T30 (30 tiết) và T35 (35 tiết), hỗ trợ ăn trưa cho HS nghèo, xây dựng mới phòng học, nhà vệ sinh, phòng chức năng, nâng cao năng lực quản lý dạy và học cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Tiểu học. Năm 2010, CT được thực hiện tại các điểm trường gồm: Trường Tiểu học (TH) Tân Hòa 2 (huyện Châu Thành), TH Tân Thành 1 (huyện Lai Vung), TH Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò), TH Hòa Thuận (thành phố Cao Lãnh), TH Bình Hàng Tây 1, TH Mỹ Hội 1 (huyện Cao Lãnh), TH Mỹ An 1 (huyện Tháp Mười). Trong năm 2010, với sự hỗ trợ của CT, các trường đã xây mới được 21 phòng học, 15 nhà vệ sinh, 2 phòng chức năng. Năm 2011, CT tiếp tục thực hiện mở rộng tại 7 huyện với 12 điểm trường, nâng tổng số trường tham gia trong 2 năm 2010-2011 là 19 điểm trường. Trong số các điểm trường tham gia năm 2011 có các điểm trường vùng sâu còn nhiều khó khăn như: Trường TH Mỹ Quý III, TH Trần Thị Bích Dung (huyện Tháp Mười), TH Thường Lạc, Long Khánh B2 (huyện Hồng Ngự).

Tại 19 điểm trường được đầu tư có 5.156/9.444 học sinh được học 2 buổi trên ngày, 1.659 học sinh được tham gia ăn trưa, nghỉ bán trú tại trường, 238 cán bộ, giáo viên được tham gia tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý... Là một trong những địa phương tham gia CT, Ban quản lý CT ĐBCLGDTH huyện Tháp Mười đã từng bước thực hiện chuyển đổi mô hình học một buổi thành học 2 buổi theo nội dung CT, tổ chức tập huấn dạy học đảm bảo chất lượng môn Tiếng Việt, Toán cấp TH, hệ thống bài tập củng cố kiến thức kỹ năng môn Tiếng Việt - Toán, phương pháp dạy học tích cực, một số kỹ thuật dạy học. CT đã nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cộng đồng trong việc nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục HS, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng chất lượng giáo dục.

Năm 2010, thành phố Cao Lãnh chỉ có 1 đơn vị trường tham gia thì năm 2011 số trường tham gia tăng lên là 3. Theo Ban quản lý CT ĐBCLGDTH thành phố, sau 2 năm thực hiện CT, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ HS yếu, HS bỏ học giảm, đáng ghi nhận tại các trường tham gia CT là không có HS bỏ học HS nghèo, cận nghèo được nhận các chính sách hỗ trợ...

Theo đánh giá của các địa phương, đây là CT khó thực hiện vì nhiều lý do, dù còn gặp nhiều khó khăn về các thủ tục xây dựng, cơ sở vật chất cho học sinh ăn, nghỉ trưa tại trường, tiến độ giải ngân còn chậm ảnh hưởng đến việc xây dựng, nhưng các địa phương vẫn duy trì ổn định tiến độ. Để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện CT, đầu tháng 6 - 2012, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT đã có buổi gặp gỡ các địa phương triển khai chương trình để ghi nhận những thuận lợi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo đó, năm 2012, CT được thực hiện tiếp tục tại 8 huyện với 14 điểm trường, nâng tổng số điểm trường tham gia là 33 điểm trường. Trong số 14 điểm trường được thực hiện trong năm 2012, tính đến tháng 4 - 2012 đã có 10 phòng học được xây mới, dự kiến đến cuối năm 2012 ngoài các phòng học được xây mới, CT sẽ đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy gồm: bàn ghế HS, giáo viên, tủ đựng tài liệu, bảng lớn chống lóa được lắp đặt phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên, HS. Để thuận lợi hơn trong thực hiện CT đến năm 2015, một số địa phương kiến nghị nên có chế độ thỏa đáng cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện mô hình dạy, học cả ngày; cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức chi lương tăng thêm cho giáo viên dạy học cả ngày nhằm đảm bảo chế độ cho giáo viên, tăng thêm chế độ cho HS được thụ hưởng hỗ trợ từ CT...

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn