Khối C, ngành sư phạm và nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động trong nhiều năm tới

Cập nhật ngày: 10/04/2013 05:20:23

Khối C là một khối thi gồm các môn: Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử. Bên cạnh các khối thi khác như: khối A (Toán, Lý, Hóa), khối A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh), khối B (Toán, Hóa, Sinh), Khối D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), khối C dường như ít được thí sinh và phụ huynh quan tâm chọn lựa để đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng với các ngành tương ứng. Ngay cả việc đầu tư vào học các môn của khối này ở học sinh phổ thông cũng có khuynh hướng lệch theo chiều hướng xem nhẹ.


Nữ sinh Trường Đại học Đồng Tháp

Nhìn toàn cảnh thông báo tuyển sinh ở các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, khối C có số lượng ngành tuyển khiêm tốn hơn so với các ngành của khối A, B, D1. Điều này phù hợp với nhu cầu lao động có trình độ chuyên về khoa học tự nhiên, kỹ thuật và ứng dụng trong những năm gần đây và vài ba năm nữa, nhưng theo khảo sát ban đầu của đội ngũ tư vấn, những ngành học của những khối này có thể sẽ ở vào tình trạng bão hòa trong 4 hay 5 năm nữa.

Ngược lại, các ngành học của khối C thuộc khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn do tính tất yếu của quan hệ cung - cầu của thị trường lao động. Khi các vị trí việc làm đòi hỏi về trình độ chuyên về khoa học tự nhiên, kỹ thuật và ứng dụng được lấp đầy thì khoảng trống còn lại dành cho các ứng viên có chuyên môn về các ngành: Quản lý giáo dục, Quản lý văn hóa, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ, Công tác xã hội, Ngôn ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Triết học...

Học các ngành này, các bạn hứa hẹn sẽ có được công việc ổn định và có ích cho xã hội trong tương lai với con đường thênh thang rộng mở. Các môn học Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử và các ngành học khối C hoàn toàn không thua kém các môn học, ngành học khác và không đáng ngại như mọi người thường lo lắng khi nghĩ về các ngành học khối C.

Ngành sư phạm là ngành đào tạo giáo viên được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, hay còn được gọi một cách thân thương là nghề gõ đầu trẻ, kỹ sư tâm hồn. Các ngành sư phạm tuyển sinh ở rất nhiều khối thi: A, A1, B, C, D1, H, T, N, M. Học ngành sư phạm, sinh viên không phải đóng học phí như các ngành khác, chế độ ưu tiên và học bổng cao, dễ tìm việc làm (kể cả việc làm thêm như: gia sư khi còn đang học và khi tốt nghiệp ra trường). Tốt nghiệp cử nhân sư phạm, các bạn sẽ có cơ hội trở thành giáo viên các cấp từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT (tùy chuyên ngành đào tạo) và có thể học tiếp lên sau đại học theo đúng chuyên ngành hoặc chuyển đổi.

Tất cả các ngành sư phạm đều chú trọng đào tạo kiến thức và kĩ năng chuyên môn, vừa rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Phần nghiệp vụ sư phạm sẽ trang bị thêm hệ thống kiến thức về khoa học sư phạm (Tâm lí học, Giáo dục học, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Phương pháp giảng dạy bộ môn, Quản lí hành chính nhà nước và quản lí giáo dục, các môn về Văn hóa, Triết học...) cùng với kiến thức nền của các học phần thuộc khối kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn có đủ kiến thức của nghề sư phạm trước khi được đứng trên bục giảng, công tác tại các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo, có thể tham gia các cấp quản lí trong ngành giáo dục - đào tạo, cùng với các vị trí công việc phù hợp khác.

Nguyễn Văn Nghiêm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn