Khởi động chương trình liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ cho người lao động

Cập nhật ngày: 12/03/2014 09:53:37

Hiện nay có 6 đơn vị gồm trường trung cấp nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, trường cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề... trong tỉnh đã phối hợp liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ với 13 công ty, doanh nghiệp.


Ngành may mặc - thế mạnh của thị xã Hồng Ngự trong đào tạo nghề

Dự kiến chỉ tiêu đăng ký đào tạo nghề theo địa chỉ của 6 đơn vị năm 2014 gần 9.000 người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cân nhắc chỉ tiêu, phân bổ thành 2 đợt đào tạo, trong đó đang triển khai đợt 1 đào tạo gần 4.000 người. Điều đáng mừng là ngoài 13 đơn vị phối hợp đào tạo, còn có các đơn vị mới với nhu cầu tuyển dụng hơn 1.000 lao động phổ thông. Theo Sở LĐ-TB&XH, các nghề thế mạnh đang có nhu cầu cần đào tạo theo địa chỉ là các nhóm nghề chế biến thủy sản, giày da, may mặc.

Trong hoạt động phối hợp liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ, Trường Trung cấp nghề Hồng Ngự phối hợp với Công ty CP Vĩnh Hoàn, Trường Trung cấp nghề Thanh Bình liên kết với Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty CP Vạn Ý, Trung tâm Giới Thiệu việc làm tỉnh phối hợp với Công ty CP Thương Mại Thủy Sản Á Châu, Công ty CP Thủy hải sản An Phú, Công ty Cổ phần Tô Châu. Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp (tại Sa Đéc) phối hợp đào tạo nghề theo địa chỉ với các công ty, doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sa Đéc. Trung tâm dạy nghề Lấp Vò phối hợp với Công ty CP ĐT&PT Đa quốc gia IDI, Trường Trung cấp nghề Tháp Mười phối hợp với Công ty TNHH TS Phát Tiến.

Ngoài các doanh nghiệp, công ty đơn vị trường đã đăng ký chỉ tiêu năm 2014, trong 3 tháng đầu năm nay, Sở LĐ-TB&XH cũng đã có những thông tin cần lao động của một số doanh nghiệp tại TP.Cao Lãnh, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự... Đây được xem là bước khởi đầu nhiều thuận lợi cho công tác đào tạo nghề theo địa chỉ trong năm 2014. So với những năm trước đây, năm nay chất lượng đào tạo lao động trong quá trình liên kết được các công ty, doanh nghiệp đặc biệt xem trọng. Lao động sau khi tuyển dụng học nghề sẽ được bố trí vào học các lớp học lý thuyết, thực hành. Các công ty như Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty CP Vạn Ý, Công ty CP ĐT&PT Đa quốc gia IDI mở lớp đào tạo nghề tại công ty để nhân viên học việc thực hành trên chính dây chuyền sản xuất của đơn vị. Đối với phần lý thuyết, ngoài các giảng viên tại đơn vị trường còn có các giảng viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng - đơn vị đào tạo chuyên ngành chế biến thủy sản tham gia giảng dạy. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động sau thời gian học việc, Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp đã ký cam kết cùng với doanh nghiệp trong đào tạo, giới thiệu việc làm cho lao động. Trong năm 2014, tại các huyện Thanh Bình, Tháp Mười, TP.Cao Lãnh, một số công ty, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất có nhu cầu tuyển dụng lao động, mở ra cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương. Bên cạnh những thuận lợi trong công tác đào tạo nghề, việc làm theo địa chỉ, các đơn vị trường, trung tâm nghề mong muốn được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn