Giáo dục Đồng Tháp - mấy vấn đề cần quan tâm trong năm học 2022 - 2023

Kỳ 2: Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng và chất lượng

Cập nhật ngày: 04/09/2022 05:39:07

ĐTO - Lại phải nhắc đến câu tục ngữ nổi tiếng “Không thầy đố mày làm nên”, để nói về tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục Đồng Tháp trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là tiếp tục triển khai cho các lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022 - 2023.

>> Kỳ 1: Thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Nói đến đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp của ngành giáo dục Đồng Tháp, trước hết, phải nói đến vấn đề số lượng. Nói đến số lượng, đương nhiên phải nói đến các phạm trù: “đủ”, “thừa” hoặc “thiếu”. “Đủ”, “thừa” hoặc “thiếu”về lực lượng lao động trong các ngành nghề nói chung, vốn là vấn đề thường nhật và biến thiên không ngừng theo thời gian, theo sự vận động, phát triển. Có thể vừa đạt chuẩn “đủ” vào hôm qua, nhưng ngay hôm sau, có thể đã “thừa” hoặc “thiếu”, do những thay đổi ngoài ý muốn, không nằm trong dự tính của các nhà tổ chức và quản lý lao động. Sự biến thiên, thay đổi đó trong ngành giáo dục lại càng rõ nét, do đặc trưng nghề nghiệp, cũng như do sự phát triển của quy mô trường, lớp và sự điều động nhân sự tại các cơ sở giáo dục cụ thể, dưới sự quản lý của ngành. Dù như thế nào, như các ngành nghề khác, việc “thừa” hay “thiếu” giáo viên trong ngành giáo dục Đồng Tháp vẫn chỉ là vấn đề cục bộ, xuất hiện đây đó, không mang tính phổ biến. Giải pháp khắc phục thực trạng này “nằm trong tầm tay” của ngành và của tỉnh: Ngành giáo dục và Trường Đại học Đồng Tháp (và một số trường đại học khác) tiếp tục có những giao kèo, ký kết đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên những môn còn thiếu nhiều, để trước mắt và lâu dài, có thể bổ sung nguồn giáo viên một cách căn cơ nhất có thể, mặt khác, việc “mời gọi” giáo viên, nhất là giáo viên giỏi ở các tỉnh, thành khác về công tác ở Đồng Tháp, với chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng, cũng là một “phương cách” khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các cấp cục bộ hiện nay.

Chất lượng đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục Đồng Tháp, nhất là những giáo viên tham gia thực hiện chương trình mới các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 trong năm học 2022 - 2023 cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, nếu không muốn nói, phải quan tâm hàng đầu, sốt sắng và hiệu quả nhất có thể. Trước hết, như đã nêu ở trên, cần phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên trước năm học mới, nhất là những giáo viên trực tiếp dạy - học chương trình mới các lớp 3, 7, 10. Chất lượng đội ngũ giáo viên quyết định thành bại của cả ngành giáo dục. Vì thế, quan tâm bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, năng lực hoạt động xã hội... cho đội ngũ giáo viên một cách thường xuyên, kịp thời, bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo của ngành giáo dục Đồng Tháp.

Trong năm học 2022 - 2023, cần thiết phải tổ chức thao giảng (theo cụm, theo huyện, thành phố hay toàn tỉnh) cho giáo viên dạy các lớp 3, 7, 10, qua đó, rút kinh nghiệm một cách kịp thời, để chấn chỉnh hoặc phát huy việc thực hiện dạy - học theo chương trình mới một cách bài bản nhất. Cái mới đi liền với cái khó. Gỡ khó một mình sẽ lâu và nhọc nhằn hơn, đôi khi còn mất phương hướng. Cùng nhau gỡ khó sẽ mau xong, thống nhất và định hướng rõ ràng cho con đường phía trước.

 Nhiều ý kiến, thậm chí quan điểm cho rằng, không nên tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Họ có cơ sở thực tiễn để đề xuất vấn đề đó, dù có thể còn chủ quan và cực đoan. Tôi thì cho rằng, rất cần thiết phải tổ chức thi giáo viên dạy giỏi. Đây là một hoạt động chuyên môn quan trọng bậc nhất để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nếu biết tổ chức một cách khoa học, bài bản, khách quan, công bằng. Không có kỳ thi này, không biết rõ chất lượng của đội ngũ giáo viên nói chung, của từng giáo viên nói riêng, qua đó, các cấp quản lý và chỉ đạo chuyên môn, hoàn toàn có cơ sở để đề ra phương hướng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho giáo viên một cách cụ thể, tỉ mỉ, tránh tình trạng “cá mè một lứa”, qua loa đại khái, “anh tốt, tôi cũng tốt” cho xong chuyện, cho dù chất lượng dạy - học sẽ trôi về đâu.

Trong năm học 2022 - 2023, nếu đúng vào định kỳ thi giáo viên dạy giỏi của cấp nào đó, theo tôi, nên đặc biệt quan tâm đến chương trình giáo dục phổ thông mới (bởi cả 3 cấp học đều đã có lớp thực hiện chương trình này). Việc chọn bài học trong chương trình mới để tổ chức thi giáo viên dạy giỏi sẽ là “bắn một mũi tên trúng hai đích”, rất nên thực hiện.

Vấn đề đội ngũ giáo viên bao giờ cũng là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục cả nước nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo biên chế và nâng cao, ổn định chất lượng giáo viên theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là hai mặt của một phạm trù biện chứng mà ngành giáo dục Đồng Tháp phải quan tâm thực hiện trong năm học 2022 - 2023.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn