Một số khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Cập nhật ngày: 02/04/2014 06:35:48

Một trong những mục tiêu phát triển giáo dục của tỉnh là đến năm 2015 sẽ có 25% trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới có 121/683 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 17,7%.


Trường THPT Lấp Vò 1 phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), qua khảo sát để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia phần lớn các trường trên địa bàn tỉnh thường bị vướng các tiêu chí về: cở sở vật chất (CSVC), tỷ lệ học sinh bỏ học và chất lượng giáo dục.

Một trong những địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp của tỉnh là huyện Lấp Vò. Hiện, toàn huyện chỉ có 11/63 trường đạt chuẩn quốc gia (2 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 2 trường THCS, 2 trường THPT). Ông Đào Hải Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Công tác xây dựng trường đạt chuẩn của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Về CSVC, trước đây chủ yếu lo xây dựng để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, cho nên hiện nay phần lớn các trường chưa có phòng chức năng. Một số trường phải tận dụng phòng học để làm phòng chức năng. Bên cạnh đó, việc duy trì sĩ số học sinh ở các bậc học cũng là vấn đề nan giải”. Thầy Võ Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Lấp Vò 1 nói: “Trường đã đăng ký đạt chuẩn quốc gia trong năm 2014, nhưng hiện nay chỉ mới đạt 3/5 tiêu chí. Tỷ lệ học sinh bỏ học của trường còn cao 3% năm học 2012 - 2013 (tiêu chí là phải < 1%). Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế, các em phải theo gia đình đi làm ăn xa. Riêng về tiêu chuẩn CSVC, phải đợi đến đầu năm 2015, sau khi hoàn thành các công trình phòng học chuyên môn, mới có thể làm hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia”.

Không riêng gì Lấp Vò, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng gặp phải những vướng mắc tương tự. Cùng với CSVC, chất lượng giáo dục cũng đang là “bài toán” nan giải của nhiều trường trong xây dựng trường đạt chuẩn. Theo Phòng GD&ĐT, các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, chất lượng học tập của học sinh không đồng đều, nhất là các trường ở các xã vùng sâu, vùng biên giới, do gia đình ít quan tâm đến việc học của con cái và chất lượng giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, dẫn đến tình trạng tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học cao.

Sở GD&ĐT cho biết, để khắc phục khó khăn về CSVC, ngoài nguồn kinh phí kiên cố hóa trường lớp của Chính phủ và của tỉnh, ngành giáo dục sẽ cố gắng tìm nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng CSVC trường, lớp. Đối với vấn đề chất lượng học tập, Sở sẽ chỉ đạo các địa phương có kế hoạch phụ đạo giúp học sinh yếu, kém lấy lại căn bản, bồi dưỡng giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Đối với học sinh bỏ học, nhà trường kết hợp với Hội Cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương để vận động các em trở lại lớp. Nếu các em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường sẽ vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tập vở, học bổng, xây tặng nhà đại đoàn kết, giúp các em yên tâm trở lại lớp.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp đồng bộ và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn ngành giáo dục, hy vọng số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn